Thức dậy sau kỳ ‘ngủ đông’, doanh nghiệp F&B phải làm gì?
(DNTO) - Sau nhiều tháng trời bất động vì các lệnh giãn cách, các doanh nghiệp F&B (thực phẩm và đồ uống) đang rục rịch trở lại hoạt động. Tuy nhiên, để khôi phục lại hoạt động kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp trong ngành này còn rất nhiều việc cần làm.
Đặc biệt chú trọng R&D
Các doanh nghiệp F&B đang bắt đầu trở lại hoạt động sau khi nhiều tỉnh thành nới lỏng giãn cách. Tuy nhiên, không đơn thuần là việc có thể mở cửa trở lại và đón khách, các doanh nghiệp ngành này cần có chiến lược tái cấu trúc hiệu quả để phù hợp với tình hình mới.
Ông Trần Khải Minh Nhật, CEO và Founder Moustache, chuyên gia trong ngành F&B cho rằng, điều quan trọng nhất doanh nghiệp ngành này cần chú trọng đến đó là R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm).
Theo ông Nhật, trước đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh F&B rất dễ dàng, bằng cách thuê địa điểm, mở cửa hàng, thuê đầu bếp thực hiện thực đơn ông chủ mong muốn, còn công thức món ăn do đầu bếp học ở đâu thì không quan tâm quá nhiều. Nhưng khi thị trường thay đổi như hiện nay, đặc biệt xu hướng đưa sản phẩm lên online, đòi hỏi doanh nghiệp F&B phải có sản phẩm cốt lõi, tinh gọn.
“Trước kia, nhà hàng có thể có hệ thống thực đơn hàng trăm món, nhưng khi đưa lên kinh doanh online phải rút gọn và chọn ra sản phẩm “đinh”. Vì vậy, với các doanh nghiệp F&B, việc thực hiện R&D ở thời điểm này tuy muộn, nhưng tương lai gần thì không như vậy”, ông Nhật nhấn mạnh.
Chú trọng R&D cũng là cách CEO Hoàng Tùng đã và đang áp dụng cho Pizza Home để vượt qua những cú sốc từ dịch bệnh. Theo ông Tùng, thời điểm trước dịch, các doanh nghiệp F&B thường bỏ qua việc này nên có tâm lý “đang làm tốt cần gì phải thay đổi”. Tuy nhiên, R&D là cách giúp doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều sản phẩm gây tiếng vang trên thị trường và là cách giúp doanh nghiệp mở đường khi trở lại.
“Tôi may mắn thành công tạo ra được Pizza thanh long, Burger Corona hay Pizza Đông lạnh; đã viral lên được báo đài quốc tế… Dĩ nhiên thất bại cũng nhiều lắm, nhưng đừng vì vài lần thất bại mà ngại R&D”, ông Tùng nhấn mạnh.
Hay như Vua Cua – startup vừa nhận được 3,5 tỷ đồng tiền đầu tư từ Shark Liên cho biết, chú trọng vào R&D đã giúp đơn vị này tạo ra thứ nước sốt “thần thánh”, nâng tầm cho các sản phẩm hải sản chế biến và ghi dấu ấn đối với khách hàng. Khi đại dịch xảy ra, Vua Cua vẫn tiếp tục R&D để cho ra những sản phẩm mới: Chả giò cua sơ chế, nước sốt đóng túi… với khả năng bảo quản lâu hơn, cách chế biến tiện lợi hơn, đáp ứng cho khách hàng cách ly, làm việc tại nhà.
Chuyển đổi số đúng hướng
Đại dịch đã thúc đẩy xu hướng mua hàng trực tuyến của người dân, buộc doanh nghiệp trong ngành F&B đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên các kênh online. Tuy nhiên, theo CEO Vua Cua – Đoàn Thị Anh Thư, chuyển đổi số không chỉ là bán hàng qua thương mại điện tử hay tạo website bán trực tuyến, mà phải đi từ “lõi” doanh nghiệp.
Cụ thể, chuyển đổi số có hai phần, thứ nhất là ứng dụng công nghệ vào vận hành nội bộ bên trong (kế toán, tài chính, thu mua, kho vận, bán hàng, bếp, sản xuất…), và bên ngoài (bán hàng trên kênh online, chăm sóc khách hàng).
Chuyển đổi số trong ngành F&B là quá trình tốn công sức, mất nhiều thời gian. Mặc dù ngay từ tháng 4/2020, thời điểm dịch Covid-19 lần đầu tiên bùng phát tại Việt Nam, Vua Cua đã ngay lập tức tiến hành chuyển đổi số, nhưng CEO Anh Thư thừa nhận, đến hiện tại, quá trình chuyển đổi số tại đơn vị này vẫn còn khá ì ạch, mới chỉ đạt 50%.
Theo ông Trần Khải Minh Nhật, đôi khi sự thành bại của kinh doanh online lại nằm ở offline. Bởi vì với một mô hình offline, việc xây dựng điểm chạm khách hàng rất khác so với online. Đa phần nhiều mô hình F&B ở Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp lớn, phần số hóa hầu hết thuê ngoài mà không có vị trí dành cho giám đốc công nghệ (CTO). Trong khi đó, các CTO là chuyên gia trong lĩnh vực này có thể tư vấn cho CEO về việc xây dựng nền tảng như thế nào, kết hợp với đội ngũ nhân sự để hệ thống quy trình, xây dựng điểm chạm khách hàng.
“Điểm chạm của offline khó một thì online khó mười, bởi offline là tiếp xúc trực tiếp, khách hàng không hài lòng về điều gì, chúng ta có thể tìm hiểu ngay lúc đó và xử lý ngay. Tuy nhiên, khi online là “xa mặt cách lòng”, buộc lòng doanh nghiệp phải tư duy, suy nghĩ xem những điểm chạm nào giúp khách hàng hài lòng nhất.
Đừng trông chờ ai khác có thể vẽ ra cho mình một quy trình F&B giúp chuyển hóa từ offline qua online. Hơn ai hết, chủ doanh nghiệp phải tự hiểu quy trình vận hành của chính doanh nghiệp và dựa vào thực tiễn, xu hướng, tệp khách hàng của mình để viết quy trình vận hành cho phù hợp với kênh online”, ông Nhật chia sẻ.
Cắt những thứ rườm rà, duy trì thương hiệu
Theo ông Trần Khải Minh Nhật, mất mát lớn nhất của các doanh nghiệp F&B trong thời gian “ngủ đông” là về thương hiệu. Nếu không cố gắng duy trì thương hiệu thì doanh nghiệp sẽ phải làm lại từ đầu, việc này vô cùng tốn kém. Do vậy, việc tái định vị thương hiệu trên thị trường hiện tại là rất cần thiết.
“Cần bỏ bớt các hoạt động không cần thiết, tập trung dồn lực vào các hoạt động, sản phẩm cốt lõi, có thể doanh thu không cao, lợi nhuận không nhiều nhưng khách hàng không lãng quên thì doanh nghiệp cũng ở thế hòa. Giá trị thương hiệu là một thứ vô cùng lớn, không thể đo đếm được”, ông Nhật cho hay.
Đồng tình với quan điểm cần loại bỏ những thứ không hiệu quả, ông Hoàng Tùng cho biết các doanh nghiệp F&B cần cố gắng “làm chậm”. Khi tái mở cửa, cần suy nghĩ xem tương lai của cửa hàng hoặc mô hình kinh doanh của mình sẽ đi đâu về đâu? Khách hàng sẽ dịch chuyển ra đâu và doanh nghiệp cần phải làm gì?
“‘Bình thường mới’ nghĩa là nó không cũ. Nó không cũ nghĩa là làm theo kiểu cũ sẽ không còn hiệu quả. Mà làm theo kiểu mới thì cụ thể sẽ như thế nào? Đó là những câu hỏi doanh nghiệp cần tự đặt ra và tìm cách trả lời”, ông Tùng nêu vấn đề.