TS Nguyễn Thành Phong: 'Triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam còn manh mún, thiếu tính đặc thù'
(DNTO) - Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM). Tuy nhiên để thực hiện thành công, Việt Nam cần giải quyết nhiều "rào cản" như nhận biết xu hướng phát triển ĐTTM tại các quốc gia, cách thức huy động nguồn lực cho phát triển ĐTTM...
Triển khai đô thị thông minh: Còn nhiều rào cản
Tại Hội thảo với chủ đề “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ngày 10/11, TS Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong xu thế đô thị hóa ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam được xác định là hướng đi đúng đắn.
Định hướng phát triển ĐTTM là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Việt Nam đặt mục tiêu hình thành một số chuỗi ĐTTM tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới ĐTTM trong khu vực và trên thế giới.
Phát triển ĐTTM cũng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.
"Đến nay, trên cả nước đã có 41 trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án về ĐTTM. Trong đó có đề án ban hành cho toàn tỉnh và cho đô thị trực thuộc tỉnh", ông Phong thông tin.
Tuy vậy, theo ông Phong, việc phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại về nhận thức, khái niệm và nội hàm về ĐTTM còn chưa rõ, lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào. Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu rất quan trọng khi áp dụng công nghệ số cho đô thị là phải số hóa các cơ sở dữ liệu nhưng hiện nay mức độ này chưa nhiều. Ngoài ra, vẫn còn nhiều đô thị dưới chuẩn nên dù có đưa công nghệ số vào cũng khó có thể phát triển mạnh.
Ngoài ra, một trong những vấn đề của Việt Nam là tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch ĐTTM và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Việc tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình này cũng còn hạn chế.
"Việc triển khai ĐTTM tại Việt Nam còn riêng lẻ, manh mún, thiếu tính đặc thù cho mỗi đô thị. Nguồn lực cho phát triển ĐTTM, bao gồm cả nguồn vốn và nguồn lực con người cũng có hạn", ông Phong nêu thực trạng.
Hướng đi nào cho phát triển đô thị thông minh?
Theo ông Dương Công Đức, Giám đốc Giải pháp ĐTTM, một trong những yếu tố mấu chốt giúp các địa phương triển khai thành công một dự án ĐTTM là lựa chọn đúng đối tác triển khai.
Đồng thời, để xây dựng thành phố thông minh một cách tiết kiệm, hiệu quả, các tỉnh, thành phố nên sử dụng nguồn lực địa phương một cách tối ưu nhất, áp dụng công nghệ để đưa ra các phân tích chính xác, phù hợp, từ đó đáp ứng và giải quyết nhu cầu của từng người dân.
"Các địa phương nên dành từ 1-2% nguồn chi đầu tư của tỉnh để xây dựng hạ tầng thành phố thông minh. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc đào tạo người dân để họ có đủ năng lực thụ hưởng các thành quả mà việc phát triển thành phố thông minh mang lại", vị chuyên gia này chia sẻ.
Nêu quan điểm của mình, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó giám đốc Chiến lược sản phẩm Tập đoàn VNPT, cho rằng các trung tâm điều hành thông minh sẽ thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Điều này là bởi, trong từng lĩnh vực, bộ ngành, địa phương, các thông tin được cập nhật liên tục về trung tâm điều hành thông minh sẽ tạo ra động lực buộc phải chuyển đổi số.
Lý giải cho điều này, theo ông Kiên, trong quá trình xây dựng các thành phố thông minh tại Việt Nam, điều kiện cần là phải có sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, bên cạnh đó, điều kiện đủ là phải đảm bảo sự liên tục của dòng chảy dữ liệu.
Góp ý tại diễn đàn, PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, cho rằng trong nghiên cứu phát triển ĐTTM cần tiếp tục nghiên cứu dịch cư đô thị - nông thôn.
"Thời gian tới cần đồng bộ giữa công nghiệp hoá và đô thị hoá. Định hướng phát triển ĐTTM cần phải xác định thành phần, tổ hợp thành phần ĐTTM nào được hướng đến, chứ không phải tất cả các đô thị hướng đến như nhau", ông Hải nhận định.
Về lộ trình thực hiện, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thông tin, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, có các tiêu chuẩn, quy chuẩn để triển khai phát triển ĐTTM; thí điểm xây dựng các khu vực ĐTTM. Dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 30% sẽ áp dụng các tiêu chí cơ bản về ĐTTM và tầm nhìn kỳ vọng đến năm 2045, đa số đô thị loại 2 trở lên đạt được tiêu chí cơ bản ĐTTM.
Đồng thời, ông Hùng cũng cho biết đã giao Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn ĐTTM phù hợp với điều kiện Việt Nam.