Startup và doanh nghiệp khai thác được gì từ ‘miếng bánh’ khổng lồ đô thị thông minh?
(DNTO) - Trong nền kinh tế chia sẻ, việc phát triển các đô thị thông minh không tách rời các lĩnh vực khác như proptech (công nghệ bất động sản), fintech (công nghệ tài chính), năng lượng, di chuyển thông minh hay nhiều dịch vụ khác… Với mảnh đất mênh mông và màu mỡ như vậy, cơ hội của doanh nghiệp và startup là rất lớn.
Hệ thống đô thị thông minh tại Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, tỷ lệ đô thị hóa 37,5% với hơn 813 đô thị trên cả nước (theo Bộ Xây dựng).
Năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030 tại Quyết định 950/QĐ-TT, mục tiêu đến năm 2020 xây dựng nền tảng pháp lý cho phát triển đô thị thông minh và đến 2025 thí điểm giai đoạn 1.
Đây được coi là giai đoạn vàng, phát huy sự sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và khởi nghiệp để đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm và từng bước kết nối với đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Đón đầu xu hướng, nhiều “ông lớn” công nghệ tại Việt Nam như Viettel, FPT hay Bkav đã nhanh chóng tung ra giải pháp phục vụ phát triển đô thị thông minh.
Ông Lê Trọng Đức – CEO FPT Smarthome thuộc FPT Telecom, cho biết, trong đại dịch, nhu cầu chuyển đổi số khu dân cư, căn hộ tăng đột biến. Bởi lẽ, người dân ngày càng mong muốn có một không gian sống thoải mái, tiện nghi, thư giãn với các dịch vụ được kết nối trong căn hộ tốt nhất. Vì vậy, các tiện ích sẽ có xu hướng dịch chuyển vào trong căn hộ hơn là vòng ngoài căn hộ.
“Xu hướng này sẽ tạo ra làn sóng cạnh tranh trong việc cung cấp tiện ích trong khu dân cư chứ không phải cạnh tranh vì căn hộ chung cư đó nó gần bệnh viện nào, gần chợ hay gần trung tâm nào”, ông Đức nói trong “Hội thảo Startup với thành phố thông minh”, thuộc Techfest Việt Nam 2021, sáng 6/11.
Tuy nhiên, đô thị thông minh là một “miếng bánh” khổng lồ vì gắn liền với các lĩnh vực khác như proptech (công nghệ bất động sản), fintech (công nghệ tài chính), hệ thống năng lượng, di chuyển, y tế, giáo dục, giải trí thông minh… Do vậy, không một mình đơn vị nào có đủ khả năng bao trùm.
Thừa hiểu việc khó có thể “ăn tất, làm cả”, nên ngay cả ông lớn công nghệ đang cung cấp dịch vụ cho hơn 3 triệu hộ gia đình trên cả nước như FPT cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm startup để “làm ăn chung”.
“Người dùng sẽ quyết định sử dụng dịch vụ của bất kì đơn vị nào. Vì vậy khi người dùng họ phát sinh những nhu cầu mới, chúng tôi đều cố gắng tìm kiếm đơn vị đối tác để cùng cung cấp giải pháp cho họ. Trong một số khu đô thị mà FPT đang triển khai, chúng tôi cũng sử dụng giải pháp camera thông minh của Bkav, hay một số dịch vụ của các startup như CyHome (quản lý chung cư) hay eDoctor (quản lý y tế cho cư dân)…”, ông Đức nói.
Xu hướng “bắt tay” cùng startup cũng là được Viettel lựa chọn để tiến vào hệ sinh thái đô thị thông minh. Ông Dương Công Đức, Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, doanh nghiệp này đang tập trung vào việc phát triển nhanh hạ tầng số và sẽ có rất nhiều “đất” cho các startup phát triển sản phẩm của mình.
“Chúng tôi đang xây dựng nền tảng công nghệ dùng chung và làm việc với các đối tác. Doanh nghiệp lớn sẽ đầu tư hạ tầng, nền tảng chung nhưng trên nền tảng đó có hàng ngàn bài toán của cuộc sống cần giải quyết và cần sự nhanh nhạy, linh hoạt, sáng tạo của các startup. Khi kết hợp với Viettel, startup sẽ có môi trường phát triển, thử nghiệm sản phẩm và mang đi ứng dụng tại các đô thị trong và ngoài nước”, ông Đức cho biết.
Hay như Bkav Global, đơn vị cung cấp giải pháp camera thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng cho biết, các startup hoàn toàn có thể sử dụng thuật toán và nền tảng của Bkav để phát triển những giải pháp cung cấp khách hàng cuối như phát triển giải pháp camera phát hiện kẻ đột nhập vào căn hộ hay cảnh báo khi trẻ em đến gần khu hồ bơi...
Không chỉ được trợ lực từ các ông lớn công nghệ, startup còn có nhiều cơ hội hút nguồn vốn khủng từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam cho biết, lĩnh vực đô thị thông minh hay proptech ở Việt Nam còn khá mới nên có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư hơn so với các thị trường đã trưởng thành như Singapore hay Indonesia, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Vì tại những thị trường đã phát triển, những khoản đầu tư vào proptech sẽ không thể tăng trưởng nhiều nên các nhà đầu tư sẽ chuyển sang các nước mà proptech đang rất tiềm năng.
Cũng theo bà Lâm, Việt Nam hiện là điểm đến mà các nhà đầu tư đặt nhiều kì vọng. Trong năm vừa qua, nhiều startup trong lĩnh vực proptech như Citics, Rever… đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư quốc tế. Vì vậy trong những năm tới, các nhà đầu tư rất kì vọng Chính phủ, nhà tập đoàn lớn và startup của Việt Nam sẽ có những giải pháp thiết thực để các giải pháp phục vụ cho đô thị thông minh sẽ triển khai càng sớm càng tốt.