Mục tiêu 'siêu đô thị toàn cầu' của TP.HCM và bài toán cực kỳ nan giải
(DNTO) - TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, TP.HCM là thành phố luôn đứng đầu, đầu tàu trong cả nước về kinh tế. Tuy nhiên, nhìn ra khu vực thì TP.HCM lại thua kém nhiều đô thị khác trong khu vực và trên thế giới.
Thông tin này được ông Vũ Thành Tự Anh cho biết và bàn luận cùng các chuyên gia tại hội thảo khoa học “Định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 5/5.
Cần hướng mục tiêu của TP.HCM là “siêu đô thị toàn cầu”
Tại hội thảo, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nói rằng, để xây dựng chiến lược phát triển, cần phải định vị TP.HCM đang ở đâu, có mục tiêu thế nào thời gian tới. Việc coi thành phố là đầu tàu kinh tế của cả nước là đúng nhưng chưa đủ, mà nên hướng tới mục tiêu thành phố là "siêu đô thị toàn cầu".
Theo ông Anh, TP.HCM là thành phố luôn đứng đầu, đầu tàu trong cả nước về kinh tế. Tuy nhiên, nhìn ra khu vực thì TP.HCM lại thua kém nhiều đô thị khác trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, TP.HCM cần có tầm nhìn xa và nhìn trước, còn cứ đi theo tư duy cũ, tầm nhìn cũ, thì không bao giờ bứt phá được.
Ông Anh cho biết, mục tiêu trở thành đại đô thị mang đẳng cấp khu vực là điều TP.HCM hoàn toàn có thể làm được. Nếu TP.HCM không làm và không định vị cao như thế thì không bao giờ với tới được. Vấn đề là khâu thực hiện.
“Thực tế mà nói, những điều các chuyên gia góp ý là không mới. Vấn đề là hiệu quả trong thực thi. Rất nhiều thứ chúng ta nhìn thấy là phải làm. Cơ sở hạ tầng có phải chúng ta không nhìn thấy không? Chúng ta đã nhìn thấy trước 20 năm, nhưng tại sao không làm được? Việc xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch vào năm 1996, tức là chỉ sau Phố Đông của Thượng Hải (Trung Quốc) có 2-3 năm thôi, nhưng đến bây giờ họ đã phát triển, đã có trung tâm tài chính quốc tế, còn chúng ta đến bây giờ vẫn chưa giải tỏa xong.
Thế thì vấn đề ở đây không hẳn là tầm nhìn nữa, cũng không thuần túy ở việc chúng ta không biết. Vấn đề là tại sao cơ chế thực thi của chúng ta không làm được cái điều mà chúng ta nhìn thấy là phải làm, điều mà chúng ta biết rằng nếu không làm được thì sẽ tụt hậu? Đây là bài toán cực kỳ nan giải. Mong đây sẽ là ưu tiên cực kỳ trọng yếu trong công tác lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo TP.HCM trong nhiệm kỳ này. Làm sao để đã quyết gì thì phải làm bằng được, lấy lại uy tín cho TP.HCM", ông Anh nói.
TP.HCM cần đột phá về hạ tầng giao thông
Theo Chuyên gia Kinh tế TS. Trần Du Lịch, hiện nay, bất cập lớn nhất của TP.HCM vẫn là hạ tầng, nhất là giao thông kết nối vùng quá chậm trễ để giải quyết bài toán liên vùng. Đây là đô thị đặc biệt, nhiều lần có cơ chế đặc thù nhưng vẫn là chiếc “áo chật”, hạn chế khả năng năng động sáng tạo của TP.HCM.
“Theo tôi, vấn đề đột phá là giao thông kết nối vùng. Tôi rất buồn là chúng ta đã quy hoạch đường vành đai 1-2-3-4, nhưng đến nay chưa cái nào hoàn thành. Đường bao nhiêu mét đã có hết trong quy hoạch, nhưng thực tế đến nay… chưa cái nào hoàn thành! Với giao thông thế này đừng bao giờ nói liên kết vùng. Nếu không đột phá cái này để phát triển vùng, thì TP.HCM sẽ bị bó và không phát triển được”, TS Trần Du Lịch nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng cho rằng, quy hoạch chung của TP.HCM được quy hoạch từ năm 2010, đã đến lúc cần nghiên cứu và điều chỉnh quy hoạch. Về hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải đô thị, TP.HCM đã xác định rõ mục tiêu, vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện.
Cũng liên quan đến kết nối vùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, một trong những đặc trưng của TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước, nên phải đối mặt với nhiều mặt trái như kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, nguồn lực của Trung ương cho vùng chỉ chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước là trở ngại cho các địa phương. Tỷ trọng này rất ít so với đóng góp của thành phố và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện tại, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực đóng góp lớn nhất GRDP và ngân sách quốc gia.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội, TP.HCM với vai trò là đầu tàu, “anh cả” trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần ưu tiên cho giao thông liên kết vùng.
Theo bà Hoàng, trước tiên cần xây dựng cầu Cát Lái qua sông Đồng Nai để kết nối hai địa phương. Bên cạnh đó là mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10-12 làn xe để đảm bảo kết nối sân bay Long Thành. Hiện cao tốc này chỉ 4 làn xe, đã quá tải và thường xuyên ùn tắc. Ngoài ra, các dự án Vành đai 3, 4 và tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đoạn Sài Gòn - Nha Trang cũng như tuyến đường sắt nhẹ từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành cần được triển khai xây dựng.
“Với vai trò anh cả của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hy vọng TP.HCM sẽ ưu tiên các công trình liên kết vùng, nhất là trong bối cảnh chưa có thể chế vùng hay cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", bà Hoàng nói thêm.
Mục tiêu trung và dài hạn của TP.HCM
Đến năm 2025, TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.
Đến năm 2030, TP.HCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.