TP.HCM: Nhiều ngành phục hồi khả quan trong quý I
(DNTO) - Sáng ngày 1/4, tại Sở Công thương TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ đã chủ trì buổi gặp gỡ báo chí để sơ kết các hoạt động ngành công thương thành phố trong 3 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Phục hồi khả quan
Tham dự cuộc họp có sự có mặt của đại diện các phòng ban chuyên môn và đơn vị trực thuộc Sở Công thương. Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó của ngành công thương thành phố để hoàn thành nhiệm vụ kép trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành. "Suốt 1 năm qua, dù có giai đoạn khó khăn nhưng TP.HCM vẫn không để bị đứt gãy chuỗi sản xuất công nghiệp, đó là một thành quả đáng khích lệ đối với ngành công thương TP.HCM", ông Vũ nhấn mạnh.
Báo cáo tóm tắt tình hình quý I/2021, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp cho biết nhiều tín hiệu khả quan.
Về chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP), tháng 3 và ba tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, IIP tháng 3 ước tăng 29,4% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 3 tháng, IPP toàn ngành công nghiệp ước tăng 3,8% so với cùng kỳ. "Trong đó, nổi bật nhất là 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 7,5% so với cùng kỳ, cao hơn 3,7 điểm phần trăm so với mức tăng chung của toàn ngành". Ông Phương thông tin.
Chỉ số IIP quý I/2021 phản ánh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố đã và đang được kiểm soát tốt khi sản lượng 4 ngành đạt mức tăng trưởng tốt (tăng 7,5%), trong đó một số ngành gặp khó khăn trong năm 2020 thì trong quý I đã tăng trưởng khá như: Sản xuất đồ uống tăng 30,0%; Sản xuất thiết bị điện tăng 20,1%; Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020,...
Về thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước đạt 90.712 tỷ đồng, tăng 3,26% so với tháng trước và tăng 19,6% so với tháng cùng kỳ năm 2020.
Trong 3 tháng đầu năm, lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn thành phố thông qua hệ thống 237 chợ, 238 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng bán lẻ. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục là những điểm thu hút tiêu dùng do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn theo các chương trình bình ổn thị trường của thành phố.
Về kim ngạch xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước 3 tháng đầu năm 2021 ước đạt 10,73 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,5%); trong đó kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô ước đạt 10,58 tỷ USD, tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 8,5%).
Kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước 3 tháng ước đạt 13,63 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,4%). Kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu thành phố ước đạt 11,38 tỷ USD, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 1,4%).
Nhằm hỗ trợ phát triển thị trường (trong nước và xuất khẩu), thành phố đã ban hành Quyết định số 4328/QĐ-UBND ngày 24/11/2020 về phê duyệt Đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 4432/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 953/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Phát triển xuất khẩu trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm được triển khai trong quý II
Trong quý II, nhiều nhiệm vụ quan trọng sẽ được triển khai như:
Xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện các Đề án, Chương trình được duyệt, bao gồm: Đề án Phát triển thương mại điện tử; Đề án Phát triển ngành logistics; Đề án Phát triển xuất khẩu; Triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố; Tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trong nước trên địa bàn thành phố năm 2021; Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng và triển khai Chương trình Bình ổn thị trường năm 2021 - Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn TP.HCM; ứng phó khẩn cấp dịch bệnh Covid-19; Tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến những nội dung trọng tâm về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia; Xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2021 (dự kiến tổ chức trong tháng 9/2021).Triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến công thương năm 2021 (Kế hoạch số 1456/KH-SCT ngày 24/3/2021 của Sở Công Thương)...
Sẽ có 8 trung tâm logistics bao quanh thành phố
Theo ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu của Sở Công thương TP.HCM, nội dung đề án Phát triển ngành logistics đệ trình lên chính quyền Thành phố, Sở Công thương đề xuất phát triển hạ tầng 8 trung tâm logistics được bố trí xây dựng xung quanh thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để kết nối ngành logistics TP.HCM với khu vực. Trong đó, 2 trung tâm huyết mạch sẽ được đặt tại cửa ngõ Linh Trung và cảng Cát Lái.