Cần hỗ trợ xuất bản các đầu sách về đô thị thông minh
(DNTO) - Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Hội xuất bản Việt Nam, Công ty đường sách TP.HCM, Báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức tọa đàm "Sách về đô thị thông minh với chiến lược phát triển đô thị trong thời đại 4.0".
Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty văn hóa sách Sài Gòn, cuộc cách mạng 4.0 mở ra một kỷ nguyên mới về sự lan tỏa thông tin. Trong dòng chảy đó, ngành xuất bản cũng chịu sự tác động sâu sắc, dẫn đến những chuyển biến về qui trình xuất bản.
Hiện nay, các đơn vị phát hành sách bắt đầu cho ra một số đầu sách về đô thị thông minh tại như: Tôi, tương lai và thế giới, Nym - tôi của tương lai, Chạy đua với Robot của Saigon Books, Thành phố thông minh - nền tảng, nguyên lý và ứng dụng, Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4... của Thái Hà Books.
Tuy nhiên các đầu sách vẫn còn ít, lĩnh vực khá mới mẻ, chủ yếu là các tài liệu dạng hội thảo, chỉ dành cho các chuyên gia. Người viết sách chủ đề này, đòi hỏi phải trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng để bắt kịp chính xác sự thay đổi chóng mặt của cuộc cách mạng 4.0.
Trong khi đó, TP.HCM đã công bố đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” với kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người dân trong các lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, môi trường, chống ngập, nguồn nhân lực, an ninh trật tự, chính quyền điện tử, chỉnh trang và phát triển đô thị.
Đề án đề ra nhiều giải pháp thực hiện như: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở của thành phố; xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; xây dựng Trung tâm điều hành đo thị thông minh; thành lập Trung tâm An toàn thông tin Thành phố; khu công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho đô thị thông minh của Thành phố…
Để người dân và công chức thực hiện tốt các giải pháp và đạt mục tiêu đề ra của đề án, các cuốn sách về đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo, văn hóa ứng xử người dân trong đô thị thông minh là vô cùng quan trọng và cần thiết đối với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân.
Dù thời gian qua, các nhà xuất bản và công ty sách đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu tham khảo của người dân cả về nội dung và số lượng. Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam chỉ ra, đến thời điểm này, vẫn chưa có tài liệu nào đề cập vấn đề này một cách toàn diện, cụ thể và hoàn chỉnh. Cần có giải pháp truyền tải thông tin toàn diện, cập nhật đến cộng đồng hơn.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách về đề tài này, cần xác định giá trị cuốn sách, chính là truyền đến được cộng đồng, đến tay người đọc. Nếu xuất bản sách mà không đáp ứng những vấn đề độc giả đang hướng đến thì vẫn không có giá trị. Một cuốn sách hay mà công tác truyền thông không phù hợp cũng không đến được với người đọc.
Theo các đơn vị làm sách, hiện tại các đơn vị xuất bản, nhất là các đơn vị tư nhân gặp không ít khó khăn về kinh phí mua bản quyền sách về đô thị thông minh. Các sách có giá trị phải qua đấu thầu nên chi phí cao, nên các đơn vị mong muốn được hỗ trợ nguồn ngân sách từ trung ương hoặc địa phương, do đây là loại sách kén bạn đọc, không thể dễ dàng thu hồi vốn.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần tiếp sức phát triển văn hoá đọc, giúp công dân trẻ có điều kiện tiếp cận các kiến thức, thông tin về đô thị thông minh, đồng thời xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho người dân trong thời đại số, những qui định cốt lõi về văn hoá cho con người trong thời kỳ hiện đại.