Các ngân hàng đang đối phó với rủi ro như thế nào?
(DNTO) - Nhiều ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) thấp nhưng lại giảm khoản trích lập dự phòng trong quý 3 như PG Bank, Saigonbank, Eximbank, Kiên Long bank... là rất đáng lo ngại, Chứng khoán Yuanta cho biết.
Nhiều khác biệt trong chính sách dự phòng của các ngân hàng
Kết thúc quý 3, ngành ngân hàng giữ mức lợi nhuận đạt khoảng 31.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 16% so với quý liền trước, nguyên nhân được cho là do thu nhập lãi ròng, thu nhập phí, và thu từ xử lý nợ xấu giảm.
Trong bối cảnh dịch bệnh, hầu hết các ngân hàng đều củng cố chất lượng tài sản nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng thông qua việc gia tăng chi phí trích lập dự phòng. Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Yuanta, không như quý 2, trong quý 3, các ngân hàng đã giảm chi phí trích lập dự phòng, ít nhất là so với quý trước.
Thống kê cho thấy, tổng chi phí dự phòng của toàn ngành ngân hàng đạt 31 nghìn tỷ đồng tăng 28% so với cùng kỳ, tuy nhiên lại giảm 9% so với quý liền trước.
Yuanta chia làm ba nhóm ngân hàng theo đuổi 3 chính sách dự phòng khác biệt. Nhóm thứ nhất, là nhóm những ngân hàng có chất lượng tốt với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như Vietcombank, ACB, MB, BIDV, Sài Gòn Thương Tín và Techcombank. Với những ngân hàng này, "việc họ giảm dự phòng trong quý này không phải là điều quá ngạc nhiên", Yuanta nhận định.
Tuy nhiên ở nhóm thứ 2 là những ngân hàng như Saigonbank, Eximbank, Kienlongbank, PGBank... có tỷ lệ LLR thấp nhưng lại giảm chi phí dự phòng. "Đây là mối lo ngại lớn", Yuanta cho biết.
Còn nhóm thứ 3 là những ngân hàng như PVbank, Bản Việt, Phương Đông... có tỷ lệ LLR thấp nhưng đã tích cực tăng dự phòng trong quý 3. Những ngân hàng này được xem là có chiến lược thận trọng khi xem xét đến những tác động của dịch bệnh đến quy mô tài sản.
Trong bối cảnh dịch bệnh đã tạm ổn định nhưng tác động về lâu dài lên nền kinh tế là điều khó tránh khỏi. Và với các ngân hàng, chất lượng tài sản và lợi nhuận là những yếu tố chịu nhiều tổn thất nhất, thậm chí sự ảnh hưởng có thể kéo dài sang tận năm 2022. Do đó, việc thiết lập tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao là điều cần được chú trọng.
"Chúng tôi tin rằng các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ là ngân hàng có nền tảng vững chắc hơn nhằm hạn chế sự suy giảm trong chất lượng tài sản do đại dịch", Yuanta nhận định.
Cũng theo các chuyên gia của Yuanta, hiện nhiều ngân hàng cho rằng tỷ lệ dự phòng nên phụ thuộc vào giá trị của tài sản thế chấp. Tuy nhiên, điều này không hợp lý bởi giá trị nhiều tài sản thế chấp nhất định có thể bị biến động và mất nhiều thời gian mới có thể thanh lý, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.
Ám ảnh nợ xấu
Trong bối cảnh phải hỗ trợ các doanh nghiệp do dịch bệnh, nợ xấu của các ngân hàng đang có xu hướng tăng cao. Theo thống kê của Yuanta, dư nợ cho vay được phân loại vào nhóm nợ xấu đạt khoảng 1% tổng tài sản ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, dư nợ đã được tái cơ cấu nhưng chưa được các ngân hàng xếp vào nhóm nợ xấu sẽ chiếm khoảng 4% tổng tài sản ngân hàng. Như vậy, "nếu dư nợ tái cơ cấu được xếp vào nhóm nợ xấu, thì tỷ lệ tổng nợ xấu /tài sảnsẽ đạt khoảng 5%. Đây là một con số khá lớn", Yuanta nhận định.
Cũng theo tính toán từ các chuyên gia của công ty này, "nếu bao gồm cả khoản dư nợ được miễn/giảm lãi suất và khoản dư nợ được hưởng lãi suất ưu đãi, thì tổng dư nợ có vấn đề sẽ bằng khoảng 2/3 tổng tài sản ngành ngân hàng và gần bằng 9x vốn chủ sở hữu của các ngân hàng".
Điều này sẽ khó xảy ra khi không phải khoản dư nợ nào cũng trở thành nợ xấu và "chúng tôi cũng không cho rằng sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng", Yuanta cho biết và khẳng định, thực tế "quy mô tài sản bị ảnh hưởng bởi Covid của các ngân hàng rõ ràng là rất lớn, và con số này tăng rất mạnh trong thời kỳ giãn cách xã hội của quý 3".