Cục diện thị trường thay đổi, nhóm ngân hàng 'đuối sức'; bất động sản, chứng khoán lại 'lên hương'
(DNTO) - Thị trường chứng khoán đã có sự thay đổi trong tháng 8 vừa qua. Nhóm cổ phiếu ngân hàng hay thép trở nên yếu thế, dòng tiền thông minh chuyển hướng tìm về nhiều hơn với bất động sản, chứng khoán.
Sau khi bước qua giai đoạn tháng 7 nhiều thăng trầm, sang tháng 8 thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều yếu tố thay đổi tích cực.
Cụ thể, thanh khoản thị trường đã có sự hồi phục mạnh mẽ, ghi nhận tổng giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn chạm mốc 30.177 tỷ đồng/phiên, tăng 15% so với tháng 7, tăng 363% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trên sàn HOSE, giá trị giao dịch tăng 10,8% so với tháng 7, đạt hơn 24 tỷ đồng mỗi phiên, HNX và UPCOM cũng tăng lần lượt 36% và 42%.
Trong bối cảnh giá trị giao dịch tăng cao, thị trường cũng ghi nhận sự dịch chuyển mạnh mẽ của đồng tiền chạy về nhiều nhóm ngành khác nhau. Nhóm cổ phiếu ngân hàng hay thép đã trở nên yếu thế, thay vào đó dòng tiền tìm về với bất động sản, chứng khoán, hóa chất, xây dựng và vận tải.
Theo thống kê của VNDIRECT, khối lượng giao dịch vào nhóm ngân hàng trong tháng 8 giảm 24%, nhóm thép giảm 4,5% so với tháng 7. Ngược lại, khối lượng giao dịch nhóm bất động sản trong tháng lại tăng 41% so với tháng 7, nhóm chứng khoán tăng 58,6%; hóa chất tăng 86%; xây dựng tăng 86% và vận tải tăng 114%.
Đặc biệt, các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư. Theo VNDIRECT, VNSML (cổ phiếu vốn hóa nhỏ) có thanh khoản tăng mạnh 90,1% so với tháng trước, đưa chỉ số VNSML Index tăng 10,6% so với cuối tháng 7.
Trong khi đó, VNMID (cổ phiếu vốn hóa trung bình) tăng 69,9% so với tháng trước, đẩy VNMID Index nhích tăng 0,4%. Ngược lại, nhóm VN30 vốn chiếm nhiều ưu thế trên thị trường thì nay lại ghi nhận thanh khoản trung bình mỗi phiên giảm 4,1% so với tháng 7, kéo theo chỉ số VN30 giảm 2,4%.
Các mã SSI, DPM, VJC được xem là những cổ phiếu có đóng góp nhiều nhất cho sự tăng điểm của VN-Index. Trong khi đó, SAB, ACB, CTG... lại có tác động tiêu cực với chỉ số này.
VN-Index tháng 9 sẽ dao động trong vùng 1.280-1.380 điểm
Theo VNDIRECT, chỉ số VN-Index sẽ theo xu hướng hồi phục và dao động trong vùng 1.280-1.380 điểm trong tháng 9; mức 1.280-1.300 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh cho chỉ số này.
Thị trường vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và những rủi ro tiềm ẩn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh nhiều phức tạp, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không đạt như kỳ vọng. Do đó, "nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nếu chỉ số giảm về vùng hỗ trợ", VNDIRECT cho biết. Tuy nhiên theo công ty này, một yếu tố đang hỗ trợ tích cực cho thị trường là thông tin vaccine nội địa Nanocovax có thể được phê duyệt sớm hơn dự kiến.
Trước tình hình hiện nay, VNDIRECT đã hạ mức dự báo tăng trưởng EPS trong năm của các công ty niêm yết trên HOSE xuống còn 26% (so với dự báo trước đó là 30%); năm 2022 sẽ duy trì ở mức 21% so với năm 2021 và năm 2023 sẽ ở mức tăng 18% so với năm liền trước.
Một số ngành được dự báo có sự cải thiện mạnh mẽ trong năm nay kỳ vọng sẽ có tăng trưởng lợi nhuận cao bao gồm hàng hóa công nghiệp, bất động sản và dầu khí. "Chúng tôi đánh giá định giá thị trường đã về mức hấp dẫn và thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp", VNDIRECT cho biết.