Khối ngoại đang tác động ra sao đến chứng khoán trong nước?
(DNTO) - Có thể mua ròng liên tiếp rồi lại bất ngờ xả hàng dồn dập, khối ngoại có khẩu vị và chiến lược đầu tư riêng với mỗi thị trường chứng khoán, trong đó có Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư không nên chịu quá nhiều ảnh hưởng trước các động thái của khối này.
Tháng 7 vừa qua, khi thị trường trong nước bước vào giai đoạn điều chỉnh, VN-Index mất điểm sau một giai đoạn tăng trưởng nóng, các nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng mạnh.
Theo số liệu thống kê từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset, khối ngoại mua ròng 209 triệu đô la (tương đương 4.717 tỷ đồng trong tháng 7). Đây là con số tương đối lớn, bởi theo ngay sau Việt Nam, Indonesia chỉ có giá trị mua ròng là 67 triệu đô la, còn các thị trường khác trong khu vực vẫn tiếp tục bị rút ròng như Hàn Quốc, Đài Loan hay Ấn Độ... Nhà đầu tư nước ngoài cũng mở mới 277 tài khoản trong tháng, tính chung 7 tháng đầu năm, khối này đã mở mới 2.824 tài khoản chứng khoán tại Việt Nam.
Bước sang tháng 8, đà mua của khối này vẫn tiếp diễn trong 7 phiên liên tiếp (từ ngày 30-9/8). Tuy nhiên, ghi nhận kết quả giao dịch trong phiên hôm nay và hôm qua, khối này lại bất ngờ quay đầu bán ròng với tổng trị giá hơn 1.300 tỷ đồng.
Về cơ bản, tính chung từ đầu tháng 8 đến nay, khối này vẫn duy trì trạng thái mua là chủ yếu. Dòng tiền từ đây có thể nói đã góp phần hỗ trợ thị trường trong nước. Theo các chuyên gia đến từ VDSC, "động thái của các nhà đầu tư nước ngoài là dễ hiểu khi thị trường Việt Nam có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ sau khi kiểm soát dịch Covid-19 với PE dự phóng 2022F là 12,96 và tăng trưởng EPS 2022F 16,16% theo ước tính của Bloomberg".
Có một thực tế diễn ra thời gian qua là không ít nhà đầu tư cá nhân vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ các động thái của khối ngoại. Đơn cử, khi khối này xả hàng, một số nhà đầu tư vẫn "dao động", trong bối cảnh chưa tìm được nguồn thông tin tin cậy hơn cho quyết định của mình.
Nhận xét về điều này, trong buổi tọa đàm về chứng khoán diễn ra hôm nay, 11/8, ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho biết, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngòai trên tổng giao dịch là không nhiều, trong khi đó nhà đầu tư trong nước chiếm 80-85%, nên động thái bán ròng của khối này không gây ảnh hưởng nhiều.
Ông Minh dẫn ví dụ, năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất nhiều nhưng sau đó giá cổ phiếu lại tăng. "Họ có kế hoạch phân bổ ở các nước khác nhau, chiến lược khác nhau, nên khi họ bán cũng chưa chắc đã xấu, vì vậy nhà đầu tư cũng không cần quá để ý", ông cho biết.
Theo một chuyên gia, khối ngoại này có cách thức, chiến lược riêng nên nhà đầu tư cá nhân đừng thấy họ bán hay mua mà vội nghĩ họ có thông tin gì đó mới với cổ phiếu này, để rồi sau đó vội vàng đua theo.
Sự xuất hiện của khối ngoại giúp thị trường chứng khoán trong nước hút được dòng vốn ngoại, tăng sức hút đầu tư vào Việt Nam, đồng thời góp phần tăng tính minh bạch cho thị trường. Theo báo cáo của Công ty Yuanta, "dòng tiền toàn cầu sẽ hướng đến các thị trường mới nổi và cận biên có khả năng kiểm soát sớm dịch bệnh", do đó, trạng thái của khối ngoại thời gian qua là những dấu hiệu tích cực của thị trường chứng khoán trong nước.