Rút chân tại thời điểm giảm sâu, người chơi chứng khoán sẽ bỏ lỡ nhịp hồi phục
(DNTO) - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện đang có nhiều yếu tố để khẳng định, tiềm năng của kênh đầu tư chứng khoán trong nước vô cùng lớn trong dài hạn. Vì vậy, nếu rút chân sớm khỏi thị trường, nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ lợi nhuận.
Thị trường sẽ sớm bật trở lại
Việc thị trường đi xuống trong tháng 7 vừa qua đã khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán vô cùng lo lắng. Động thái bán tháo, vội vã rút chân ra khỏi thị trường của nhiều nhà đầu tư nhằm bảo tồn vốn, không phải hiếm gặp, đặc biệt với các nhà đầu tư F0.
Phát biểu trong buổi tọa đàm với chủ đề “Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021” diễn ra vào 30/7, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu - VinaCapital, nhận định, tiềm năng của thị trường chứng khoán còn rất lớn. Đặc biệt theo bà, ngay khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, thị trường chứng khoán sẽ bật lại rất nhanh.
Theo bà, trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động xấu đến nhiều ngành nghề như du lịch, hàng không hay các ngành bán lẻ thì thị trường chứng khoán lại là leading indicator (chỉ số báo trước - PV) của nền kinh tế. “Nhiều người tin kinh tế sẽ phục hồi vào quý 4, thì thị trường chứng khoán cũng có những lý do để bắt đầu phục hồi sớm hơn”, bà Thu cho biết.
Theo lý giải của bà, hiện tại số tài khoản F0 mở mới không ngừng tăng lên, tuy nhiên mới chiếm khoảng 3% dân số cả nước, trong khi đó chỉ số này ở Trung Quốc là 13%. Thị trường trong nước đang được so sánh với lãnh thổ Đài Loan vào cuối những năm 80 - đầu 90, nhưng hiện tại số tài khoản của Đài Loan đã là khoảng 84%. Đây là cơ sở để khẳng định tiềm năng trong tương lai của thị trường.
Việt Nam đang trong giai đoạn bùng phát dịch, tuy nhiên tình trạng sẽ sớm được kiểm soát và ngay sau đó, đà hồi phục sẽ trở lại. Và những nhà đầu tư, nếu không đủ kiên trì mà rút chân ra sớm thì sẽ bỏ lỡ nhịp hồi phục của thị trường, bà Thu nêu quan điểm.
Trong bối cảnh thị trường sụt giảm, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp như VinaCapital cũng phải giảm bớt kỳ vọng. Tuy nhiên, "định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn, lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường vẫn đang tốt hơn nhiều thị trường trong khu vực", bà Thu cho biết.
Hiện tại nhà đầu tư Đài Loan vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Nếu nhà đầu tư ngoại rút ròng 1,3 tỷ đô la, thì các nhà đầu tư Đài Loan vẫn tìm đến thị trường, ví dụ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đã đổ khoảng hơn 540 triệu đô la vào thị trường trong đó có 173 triệu USD chỉ trong tháng 7.
VN-Index dồi dào kỳ vọng
Sau nhiều ngày tháng giằng co không thể vượt qua 1.300 điểm, ngày chốt tuần và cũng là ngày kết tháng 7, 30/7, VN-Index đã có bước thay đổi vượt trội khi đạt mốc 1.310,05 điểm, tuy nhiên vẫn tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần trước đó. Điều này cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự mạnh, nhà đầu tư vẫn đang thận trọng với xu hướng thị trường.
Nếu nói về sự thay đổi đột biến theo hướng tích cực trong phần lớn tháng 7 gần như không có với chứng khoán. Thị trường vẫn trong đợt điều chỉnh.
"Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện đang tiến vào vùng kháng cự tương ứng với mục tiêu của sóng hồi hiện tại nên dư địa để tiếp tục tăng trong tuần tới có thể không còn nhiều và rung lắc có thể diễn ra thường xuyên hơn", các chuyên gia từ công ty chứng khoán SHS nhận định về thị trường trong tuần tới.
Trong khi đó, báo cáo thị trường của công ty VCBS nhận định: "Áp lực chốt lời ngắn hạn ở vùng điểm số quanh ngưỡng 1.300 điểm nhiều khả năng sẽ là không nhỏ và có thể khiến đà hồi phục hiện tại chững lại phần nào trong tuần sau, cũng như không loại trừ khả năng thị trường sẽ ghi nhận những phiên “rung lắc” mạnh".
Bất chấp thực tế hiện tại của thị trường khi mà Vn-Index vẫn chật vật trong ngưỡng kháng cự 1.300 điểm, nhiều chuyên gia vẫn nhìn nhận VN-Index trong tương lai với nhiều triển vọng nổi bật.
Theo công ty chứng khoán VFS, định giá chỉ số VN-INdex so với các thị trường chứng khoán trong khu vực đang rất hấp dẫn. "Tính đến đầu tháng 7/2021, VN-Index đã giảm về quanh mốc 1.270 tương đương với định giá PE là khoảng 17,x. Đây là mức định giá khá hấp dẫn nếu so sánh với mức định giá từ 29 - 30 của các thị trường chứng khoán trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Philipines", VFS nhận định.
Và cũng theo công ty này, chứng khoán sau khi đi ngang vào tháng 7 sẽ hồi phục dần trở lại vào đầu tháng 8, cũng là thời điểm kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp công bố hoàn toàn và dịch bệnh được khống chế.
Lạc quan hơn, các chuyên gia từ VCBS cho biết, chỉ số VN-Index vẫn có thể tiếp tục thiết lập những mức đỉnh mới trong năm nay, "áp lực bán có khả năng sẽ tăng mạnh ở vùng điểm số 1.450 - 1.500 và theo sau đó chỉ số có thể ghi nhận một nhịp điều chỉnh giảm khá mạnh trong khoảng 100 - 200 điểm".
Theo đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trong năm trên cả thị trường có thể tăng gấp 2,5 lần so với năm ngoái, đạt 950 triệu - 1 tỷ cổ phiếu mỗi phiên, và giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên cũng sẽ tăng 4 - 4,5 lần, đạt 25.000 - 28.000 tỷ đồng trên cả ba sàn, VCBS kỳ vọng.
Khẳng định về tiềm năng của VN-Index, bà Nguyễn Hoài Thu cũng kỳ vọng: "Cần nhấn mạnh rằng thị trường có tiềm năng. Giờ chúng ta còn đang tranh cãi chỉ số sẽ lên 1.300 hay 1.400 nhưng biết đâu vài năm nữa lên 3.000 nên chúng ta có tiền nhàn rỗi hãy cân nhắc về đầu tư chứng khoán".