Chứng khoán tuần từ 30-1/9: Đà giảm đã ngừng?
(DNTO) - Thị trường chứng khoán đã có một tuần mất điểm trong sự lo lắng và thận trọng của nhà đầu tư. Liệu sự điều chỉnh này đã đến hồi dừng lại trong tuần đầu tiên của tháng 9 - tháng cuối cùng của quý 3?
Nhà đầu tư đã trải qua một tuần nhiều biến động, với sự trồi sụt của VN-Index, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 liên tục đạt trên 10.000 ca mỗi ngày. Đầu tuần qua, chỉ số này mất hơn 30 điểm, nhưng hai phiên tiếp theo lại hồi phục nhẹ với mức thanh khoản thấp nhất tháng 8. Niềm tin của nhà đầu tư lại vỡ vụn khi phiên tiếp nối, ngày 26/8, chỉ số này không thể tiếp tục hồi phục và quay đầu giảm điểm.
Tuy nhiên phiên cuối tuần, VN-INdex lại đảo chiều ngoạn mục trong niềm vui bất ngờ của nhà đầu tư, chốt tuần tại 1.313,2 điểm, giảm 16,23 điểm so với mức đóng cửa tuần trước.
Trong tuần thứ hai điều chỉnh này, dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ như nhóm dược phẩm và y tế, nhóm này dẫn đầu với mức tăng 5% giá trị vốn hoá, tiêu biểu như AMV, DVN, DMC...; tiếp theo là nhóm dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 2,2% giá trị vốn hóa, với các gương mặt như MWG, FRT...; ngoài ra còn có nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng, công nghiệp, hàng tiêu dùng cũng duy trì được đà tăng.
Cổ phiếu ngân hàng lại trở nên yếu thế khi ghi nhận đà giảm mạnh nhất với 3,8% giá trị vốn hoá, các mã giảm điểm mạnh như VCB, CTG, BID, VPB, MBB... Nhóm cổ phiếu này là một trong những nguyên nhân kéo thị trường đi xuống.
Như vậy trong tuần vừa qua, VN-Index đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong tháng 8. Liệu đà suy giảm này đã dừng lại, trong bối cảnh chỉ còn một tháng nữa sẽ kết thúc quý và chắc chắn kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp trong quý sẽ khó đạt được như kỳ vọng.
Nhận định về tuần mới, theo Công ty Chứng khoán SHS, trên góc nhìn kỹ thuật thì VN-Index vẫn đang di chuyển trong sóng điều chỉnh và "dư địa giảm vẫn còn". "Thị trường có khả năng sẽ nối tiếp nhịp hồi phục kỹ thuật vào đầu tuần trước khi tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn", SHS nhận định.
Cũng theo công ty này, nhà đầu tư nên lưu ý vùng kháng cự hiện trong khoảng 1.335-1.340 điểm (MA20- 50), trong khi ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.300 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.200-1.250 điểm. Do đó, nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn, nhà đầu tư có thể canh những phiên hồi phục kỹ thuật để giảm tỷ trọng; còn nếu đã chốt lời danh mục ngắn hạn thì tiếp tục quan sát và giải ngân trở lại khi thị trường về vùng hỗ trợ mạnh 1.200-1.250 điểm.
Còn theo chuyên gia đến từ Công ty Mirae Asset, với 3 lần VN-Index chạm vùng hỗ trợ 1.290 sau đó hồi phục trở lại, do đó đây có thể xem là vùng cân bằng ngắn hạn cho chỉ số này. "Chỉ số sẽ kiểm định lại ngưỡng MA 20 tuần, nếu giữ được mốc hỗ trợ quan trọng, xu hướng hồi phục sẽ tiếp tục. Điểm số kĩ thuật ngắn hạn của Mirae Asset đang ở mức -4, tiêu cực", Mirae Asset nhận định.
Khá thận trọng, Chứng khoán VCBS cảnh báo, trong bối cảnh dòng tiền hạn chế, thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện, tâm lý đầu tư còn dè dặt, đặc biệt dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp thì "nhà đầu tư vẫn nên đề cao sự thận trọng và chưa nên vội vàng giải ngân với tỉ trọng lớn trong giai đoạn này".
Theo đó, chiến lược thích hợp ở giai đoạn này với người chơi chứng khoán là nên "giải ngân từ từ từng phần các cổ phiếu có tính chất phòng thủ, trong đó ưu tiên các cổ phiếu vốn hóa trung bình đang cho tín hiệu bước vào nhịp tăng mới".
Gửi lời khuyên đến các nhà đầu tư, Công ty MBS cho biết, việc cơ cấu lại danh mục với nhóm bluechips ở thời điểm này là phù hợp. "Nhà đầu tư có thể cơ cấu 1 phần danh mục sang nhóm bluechips sau khi dòng tiền đã quay trở lại bắt đáy với một số cổ phiếu đã về mức đáy tháng 7 vừa qua", chuyên gia MBS nhận định.
Tháng 9 vẫn còn nhiều ẩn số với thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng, nghe ngóng và chờ đợi vẫn là điều các nhà đầu tư nên lưu ý.