Chứng khoán tuần tới: Dòng tiền đã trở lại đường đua?
(DNTO) - Thị trường chứng khoán trải qua nửa đầu tháng 8 với nhiều tín hiệu tích cực, khiến nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng: Liệu có hay không sự quay trở lại của dòng tiền trong tuần tới?
Bước sang tháng 8, tiếp nối đà tăng bắt đầu từ tuần cuối tháng 7, chỉ số VN-Index đã có hai tuần hồi phục liên tiếp, bất chấp những tác động nặng nề từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Từ mốc 1.314 điểm của phiên đầu tiên của tháng 8, cuối tuần vừa qua (13/8), chỉ số này chốt phiên tại 1.357 điểm, tăng 3,2%, mức tăng chậm nhưng có phần khá chắc chắn khi chỉ có 3/10 phiên quay đầu giảm, với mức giảm nhẹ trung bình khoảng 0,3% so với phiên liền trước.
Tuần vừa qua, VN-Index chính thức vượt qua ngưỡng kháng cự 1.350 điểm. HNX-Index dừng tại mức 336.96 điểm, tăng 3.53% so với tuần trước.
Tăng giá mạnh nhất tuần là VMD với mức tăng 40%, từ 24.700 đồng lên 34.500 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, PTL là cổ phiếu giảm mạnh nhất với mức giảm 14,5%, từ 8.930 đồng xuống 7.630 đồng/cổ phiếu.
Đặc biệt trong tuần vừa qua, thanh khoản trên sàn HoSE được cải thiện đáng kể, liên tục vượt mốc 22.000 tỷ đồng trong cả 5 phiên, thậm chí ngày 11/8, con số này còn vượt trên 26.000 tỷ đồng. Những tín hiệu tốt đẹp trên cho thấy phần nào niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường được củng cố, và kỳ vọng về việc dòng tiền quay trở lại thị trường ngày càng rõ nét.
Nhận định về điều này, báo cáo từ Công ty Chứng khoán VCBS cho biết: “Mặc dù vẫn có áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện trong phiên, nhưng mức giảm không phải quá lớn, và chỉ số nhanh chóng hồi phục sau đó cho thấy dòng tiền lớn đang dần trở lại thị trường, đóng vai trò tích cực trong việc dẫn dắt xu hướng đi lên".
Cũng theo VCBS, việc VN-Index liên tục vượt ngưỡng 1.300 điểm cho thấy nhà đầu tư đã dần trở nên lạc quan hơn về tình hình thị trường hiện tại.
Do đó, nhà đầu tư có thể giải ngân ở những nhịp điều chỉnh trong phiên, "trọng tâm là những cổ phiếu đang đóng vai trò dẫn dắt chỉ số chung như nhóm ngân hàng, dầu khí, đặc biệt là những doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tốt và duy trì triển vọng tích cực trong phần còn lại của năm nay".
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, diễn biến tích cực của thanh khoản thị trường thời gian qua cho thấy "diễn biến lạc quan về dòng tiền của thị trường". Đây chính là "hỗ trợ tin cậy cho VN-Index tiếp tục diễn biến tăng điểm, hướng đến mốc 1.400 điểm", Mirae Asset nhấn mạnh. Và từ "khả quan" là những gì mà các chuyên gia của công ty này nhận định về thị trường tuần tới.
Tuy nhiên, khá thận trọng, Công ty Chứng khoán Vndirect lại nhận thấy thị trường vẫn còn nhiều rủi ro bất ổn. "Tạm thời, thị trường chưa đủ động lực để tiếp tục hành trình đi lên và cần thêm thời gian tích lũy để cân bằng", Vndirect cho biết.
Theo công ty này, vùng quanh 1.340 điểm sẽ là vùng hỗ trợ ngắn hạn, nên nhà đầu tư có thể quan sát để cơ cấu lại danh mục, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt để giải ngân khi thị trường cân bằng và ổn định trở lại.
Hiện tại, lượng tiền gửi để tại các công ty chứng khoán của các nhà đầu tư tính đến cuối quý 2 đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 32,3% so với quý 1. Lãi suất ngân hàng lại tương đối thấp sẽ kích thích dòng tiền đổ về các lĩnh vực đầu tư mang lại lợi nhuận. Trong khi đó, lượng nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường ngày càng lớn khi tháng 6, số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước đạt trên 140.000 tài khoản, mức cao kỷ lục mới từ trước đến nay. Có thể nói dòng tiền luôn chực chờ để được tham gia thị trường chứng khoán, khi có cơ hội thích hợp.
Báo cáo chiến lược thị trường tháng 8, các chuyên gia của SSI phân tích, với đà tăng có được, "chỉ số VN-Index khả năng sẽ hướng đến thử thách lại đỉnh cũ 1.420 điểm trong tháng 8. Trong khi đó, các vùng hỗ trợ gần dành cho chỉ số lần lượt 1.340 điểm và 1.300 điểm, và xa hơn là 1.261 điểm trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu ngoài tầm kiểm soát".
SSI cũng lưu ý các nhà đầu tư quan tâm đến những thách thức của tình hình dịch bệnh hiện tại, cũng như nguy cơ về sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ chậm lại trong quý 3. Do đó, nhà đầu tư cũng cần chủ động phòng ngừa rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong ngắn hạn lẫn trung và dài hạn.