Chiến lược của doanh nghiệp từ góc nhìn khủng hoảng đại dịch Covid-19
(DNTO) - Dự báo bối cảnh chính trị và dịch bệnh Covid-19 trên thế giới năm 2022 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt, cần nhận diện thị trường để thích ứng và phục hồi.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị nền tảng hệ thống tốt
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh cho biết, trong 2 năm qua, tuy có nhiều khó khăn thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển mình và thay đổi nếu tìm ra cách thức phù hợp. Để phù hợp với tình hình mới, doanh nghiệp vừa chú trọng giải pháp đầu tư vào hệ thống, vừa tập trung vào con người. Chính vì vậy, Phúc Sinh là một trong số ít công ty có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; phát huy được mảng kinh doanh buôn bán trên sàn thương mại điện tử.
“Trong khó khăn, thách thức, mọi người vẫn hay nói phải có cách làm sáng tạo để vượt qua. Thực ra sáng tạo không có gì là to lớn. Tại Phúc Sinh, người lao động thay vì làm 4 tiếng để hoàn thành công việc, nhưng chúng tôi có người chỉ làm 30 phút. Chúng tôi tập trung vào R&D, xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến ở từng phân khúc để phục vụ khách hàng…”, ông Thông chia sẻ.
Ông Phan Minh Thông cho biết thêm, Phúc Sinh là công ty chuyên về xuất khẩu, làm việc trực tiếp với nông dân. Trong vòng 15 năm vừa qua, công ty đã cải tiến rất nhiều, đặc biệt không đẩy mạnh mua qua trung gian và làm việc trực tiếp với nông dân để phát triển bền vững. Nhờ việc đa dạng hoá sản phẩm nên trong đợt dịch vừa qua, công ty vẫn xuất khẩu nhiều loại thực phẩm như: Hồ tiêu, quế… nên không bị dừng mặt hàng nào.
Đồng thời, do có quá trình phát triển lâu dài nên khi làm việc với hệ thống ngân hàng, Phúc Sinh thấy khá dễ dàng. Cùng với việc làm việc với rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nên dòng tiền cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Thêm vào đó, việc áp dụng công nghệ vào quá trình làm việc từ trước như sử dụng smartphone, laptop giúp công ty không bị ảnh hưởng nhiều khi nhân viên work from home.
“Tôi cho rằng, khi các doanh nghiệp chuẩn bị nền tảng hệ thống tốt từ trước đây thì khi xảy ra dịch sẽ không bị động và thiệt hại nhiều. Bên cạnh đó, người chủ doanh nghiệp phải luôn tâm niệm làm thế nào để làm việc sáng tạo, chăm chỉ. Năm 2021 dù Covid-19 rất ảnh hưởng, cước vận chuyển tăng… nhưng chúng tôi vẫn tìm mọi cách kết nối, xuất được hàng. Mặc dù sản lượng giảm, nhưng chúng tôi vẫn phán đoán thị trường, hoạt động nhà máy để có lời. Trong những tháng giãn cách, chúng tôi phát huy việc buôn bán trên sàn điện tử. Qua đó nhiều khách hàng biết đến”, ông Thông nói.
Hướng tới kinh doanh bền vững để tăng khả năng kháng cự với các cú sốc
TS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, doanh nghiệp trong nước có thể học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đến từ một số nền kinh tế lớn trên thế giới để có thể thích ứng tốt hơn trước những thách thức.
Ông nêu ví dụ: Các doanh nghiệp tại Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào số hóa, bao gồm phát triển năng lực kĩ thuật số cho hệ thống doanh nghiệp, số hoá chuỗi cung ứng. Việc đào tạo kỹ năng được các doanh nghiệp Singapore triển khai trên quy mô lớn để giải quyết vấn đề gián đoạn sản xuất, cung ứng và thay đổi việc làm hậu Covid-19 một cách hiệu quả đối với cả doanh nghiệp và người lao động.
Còn với các doanh nghiệp Trung Quốc, phát triển dài hạn và bền vững hơn. Chính phủ nước này khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng “khoảng nghỉ” của đại dịch để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh quốc tế thay vì chăm chú vào mục tiêu tăng trưởng nhanh. Đồng thời, ưu tiên cho các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị…được cho là các biện pháp hiệu quả để thích ứng tốt hơn trong tình hình mới.
TS Nguyễn Đức Khương nhận định, các cuộc khủng hoảng không chỉ tạo ra nhiều thay đổi tạm thời (chủ yếu là sự thay đổi trong ngắn hạn về nhu cầu) mà còn cả một số thay đổi kéo dài.
“Chính vì vậy, chúng ta cần xác định cơ hội tăng trưởng và xem xét lại mô hình kinh doanh là việc làm cần thiết. Trong đó, kết hợp con người– máy móc để đáp ứng những yêu cầu mới từ khách hàng. Hướng hoạt động kinh doanh bền vững, như vậy mới có khả năng kháng cự với các cú sốc”, ông Khương nói.