Thủ tướng: Hiện có 22 doanh nghiệp của Tochigi đầu tư tại Việt Nam
(DNTO) - Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường thu hút đầu tư của Nhật Bản, cùng các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phân tích về sự dịch chuyển dòng vốn FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu so sánh số liệu 10 tháng năm 2021 với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng vị trí thứ 4 với tổng số vốn đăng ký cấp mới là gần 472 triệu USD và khoảng 50 dự án cấp mới.
Bước sang năm 2021, riêng trong 10 tháng, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 150 dự án mới (gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước), điều chỉnh 105 lượt dự án và 170 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 3,38 tỷ USD, đứng thứ 3/97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam (chỉ sau Singapore và Hàn Quốc).
”Dòng vốn FDI từ Nhật vào Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, sắc nét, rất tích cực, bất chấp những khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, thể hiện niềm tin của doanh nghiệp FDI Nhật Bản và sức hút của thị trường Việt Nam. Đây cũng là cơ hội tốt để tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác đầu tư giữa hai bên trong bối cảnh mới”, ông Hiếu nhận định.
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản chỉ ra rằng, là một trong những đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Nhật Bản hiện đầu tư tại 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Ông Shimuzu Akira, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc hình thành chuỗi cung ứng nên họ lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Về vấn đề này, tại Hội nghị Hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản, chiều 23/11, đại diện doanh nghiệp của tỉnh Tochigi đã giới thiệu về thế mạnh trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử... và nhận định đây đều là những lĩnh vực mà Việt Nam đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới, theo đó, doanh nghiệp hai bên sẽ còn rất nhiều dư địa để hợp tác phát triển. Đồng thời, Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện của Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng về sự phát triển trình độ cao của tỉnh Tochigi theo hướng hiện đại, bền vững, chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, cân bằng giữa các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ và du lịch, đặc biệt có khu du lịch Nikko rất nổi tiếng được UNESCO công nhận và nhiều danh lam thắng cảnh du lịch, nhiều đặc sản nông nghiệp…
Hiện có 22 doanh nghiệp của Tochigi đang đầu tư tại Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh hiện là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại tỉnh Tochigi với 8.000 người. Thống đốc tỉnh Tochigi đã nhiều lần dẫn đầu các đoàn đại biểu tới Việt Nam thúc đẩy xúc tiến đầu tư, thương mại giữa các địa phương của hai bên.
"Các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đang đứng trước cơ hội hợp tác lớn với sự phát triển rất tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam (khoảng 27 tỷ USD), đối tác lớn thứ 2 về vốn FDI (lũy kế đạt 64 tỷ USD), đối tác thứ 3 về khách du lịch (khách du lịch Nhật tới Việt Nam đạt gần 1 triệu lượt khách trong năm 2019), đối tác thương mại lớn thứ 4 (kim ngạch hai chiều đạt khoảng 40 tỷ USD/năm)", Thủ tướng nêu rõ.
Đồng thời nhấn mạnh, các lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư như sự ổn định chính trị; việc triển khai mạnh mẽ các khâu đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng; con người Việt Nam càng trong khó khăn lại càng đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo để vượt qua mọi thách thức...
Thủ tướng cũng đánh giá cao các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lâu dài, luôn chia sẻ, đồng hành với Việt Nam trong những thời khắc khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, những biến động kinh tế toàn cầu…
Mong muốn trong thời gian tới tỉnh Tochigi tiếp tục thiết lập quan hệ, thúc đẩy hợp tác với nhiều địa phương của Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng và sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tỉnh tăng cường hợp tác với các địa phương của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, lao động, giao lưu nhân dân, du lịch…
Cùng với đó là sự cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tỉnh Tochigi nói riêng và Nhật Bản nói chung tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu…