Tổng giám đốc MISA: 'Không phải cứ sử dụng công nghệ nghĩa là chuyển đổi số'
(DNTO) - "Không phải cứ sử dụng công nghệ nghĩa là chuyển đổi số. Với kinh nghiệm của MISA, lãnh đạo cần xác định rõ tình trạng và mục tiêu của doanh nghiệp, từ đó đưa ra lộ trình phù hợp để có những bước chuẩn bị kỹ càng, giúp công cuộc chuyển đổi số thực sự hiệu quả", bà Thuý nhận định.
"Bóng đêm Covid-19" khiến các doanh nghiệp nhanh chóng "số hoá", chuyển mình để có thể "sống sót" khi cùng một lúc phải đối mặt với nhiều bài toán về chi phí, nhân sự, quản lý dữ liệu, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất và kinh doanh, cũng như nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Đặc biệt, trong giai đoạn thích ứng với tình trạng "bình thường mới", chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Đồng thời, tạo ra bước nhảy vượt bậc về năng lực quản trị, trải nghiệm khách hàng và mô hình kinh doanh...
Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất của Deloitte, hơn 80% doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang "loay hoay" không biết chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, bắt đầu từ khâu nào, cần chuẩn bị những gì, làm thế nào để chuyển đổi số hiệu quả, nhân sự và tài chính cần có kế hoạch ra sao, tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính ở đâu…
Là doanh nghiệp công nghệ, với phụng sự cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chia sẻ với Doanh Nhân Trẻ, bà Đinh Thị Thuý, Tổng giám đốc Công ty CP MISA đã đưa ra lời khuyên cũng như những nền tảng chuyển đổi số hữu hiệu, thiết thực, để doanh nghiệp tham khảo vận dụng.
* Trong bối cảnh hiện nay, để bước lên "nấc thang" chuyển đổi số, doanh nghiệp đang đối diện với những cơ hội và thách thức nào? Bà đánh giá thế nào về vai trò dẫn dắt, hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ?
Bà Đinh Thị Thuý: Hầu hết doanh nghiệp hiện nay đã quen với khái niệm “chuyển đổi số” nhưng một số vẫn loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, triển khai cái gì trước, cái gì sau và nên lựa chọn những ứng dụng công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, lĩnh vực.
Với tôi, thách thức đầu tiên là thay đổi tư duy của người đứng đầu, nếu lãnh đạo doanh nghiệp không quyết liệt, không coi chuyển đổi số là tất yếu thì công cuộc chuyển đổi số doanh nghiệp đó coi như thất bại. Bên cạnh đó, chuyển đổi số không chỉ là thay đổi nhận thức, thói quen của người lãnh đạo mà còn thay đổi thói quen, cách làm cũ của một tập thể, chính vì vậy, đây không phải quá trình ngày một ngày hai có thể thành công.
Khi xây dựng các mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, chúng tôi đều phải nghiên cứu rất kỹ để có thể đưa ra những giải pháp phù hợp nhất với từng quy mô, lĩnh vực ngành nghề doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể ứng dụng nhanh chóng và mang lại hiệu quả trong thời gian sớm nhất.
Chuyển đổi số được ví như “tấm khiên chắn bão” trong thời dịch và cũng là giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp trong thời đại 4.0. Tuy nhiên "tấm khiên" này có chắc chắn hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm chuyển đổi số của người đứng đầu doanh nghiệp.
Bà Đinh Thị Thuý, Tổng Giám Đốc MISA
Ngoài ra, khi doanh nghiệp quyết định chuyển đổi số, khung kỹ năng và năng lực của nhân viên sẽ phải thay đổi, để phù hợp cách thức vận hành kinh doanh mới. Khi nhân lực thiếu hụt các kỹ năng này, mô hình chuyển đổi số sẽ thất bại vì nhân lực cần phải thích nghi cái mới. Chính vì vậy khi triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, MISA rất chú trọng đến công tác đào tạo, tập huấn, để người sử dụng có thể nắm bắt và vận hành được công việc trên nền tảng số.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, doanh nghiệp thích ứng và chuyển đổi số kịp thời là doanh nghiệp có nhiều cơ hội nhất. Có thể nói đây đang là "thời điểm vàng" để các doanh nghiệp bắt tay vào chuyển đổi số.
- Thứ nhất, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, cắt giảm những chi phí không thiết yếu để củng cố hệ thống vận hành. Khi mọi công tác nghiệp vụ thao tác trên phần mềm thì nhân sự sẽ dành nhiều thời gian tập trung vào công việc chuyên môn, hướng đến nghiệp vụ phân tích và cố vấn cho doanh nghiệp.
- Thứ 2, khi áp dụng chuyển đổi số cũng là thời điểm doanh nghiệp đổi mới chiến lược bán hàng. Không còn duy trì hình thức kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp sẽ tập trung vào tìm kiếm khách hàng tiềm năng trên tất cả các nền tảng, chú trọng vào trải nghiệm khách hàng, góp phần tăng trưởng doanh số hiệu quả.
- Thứ 3, khi tự động hoá quy trình cùng báo cáo trực quan trên một nền tảng sẽ giúp doanh nghiệp tìm được “điểm nóng”, ứng biến kịp thời với nhiều diễn biến mới, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ, với giải pháp của MISA AMIS, mọi hoạt động về quản trị doanh nghiệp được cập nhật liên tục từ công tác bán hàng, tài chính kế toán, quản trị nhân sự… đều được cập nhật ngay tức thì khi có sự thay đổi, điều này giúp cho doanh nghiệp dễ dàng quản trị được công việc, tiến độ sản xuất kinh doanh ngay cả trong bối cảnh làm việc từ xa.
Có thể nói, các tập đoàn công nghệ có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng chiến lược cho các doanh nghiệp nhỏ. Đơn cử như với MISA, luôn sẵn sàng chia sẻ tri thức đến những doanh nghiệp mong muốn tiên phong đón đầu xu thế mới. Trong thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp phải làm việc từ xa, MISA đã tổ chức gần trăm cuộc hội thảo trực tuyến cung cấp các kiến thức, thông tin về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Các sản phẩm của MISA là các nền tảng số Make in Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, lựa chọn theo những tiêu chí khắt khe tham gia vào Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, trong đó Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS và Nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP đang hỗ trợ rất nhiều trong quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, MISA sẽ tiếp tục hoàn thiện những sản phẩm đang có và phát triển những nền tảng dịch vụ mới góp phần cung cấp giải pháp chuyển đổi số phù hợp với mọi ngành nghề, quy mô để doanh nghiệp từng bước tiếp cận với xu hướng chuyển đổi số.
* Trở lại sau giãn cách, theo bà, các doanh nghiệp nên xác định những bước đi như thế nào khi thực hiện chuyển đổi số? Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp phần mềm ra thị trường, hiện MISA có những hạ tầng, nền tảng cụ thể nào để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt với các startup trong tiến trình chuyển đổi số?
- Với kinh nghiệm của MISA, để chuyển đổi số thành công thì các doanh nghiệp phải có kế hoạch, mục tiêu và lộ trình cụ thể. Không phải cứ sử dụng công nghệ nghĩa là chuyển đổi số. Để doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả thì lãnh đạo cần xác định tình trạng doanh nghiệp và mục tiêu chuyển đổi số của doanh nghiệp, từ đó đưa ra lộ trình phù hợp để có những bước chuẩn bị kỹ càng giúp công cuộc chuyển đổi số thực sự hiệu quả.
Tiếp theo, doanh nghiệp cần có nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức chuyên môn chắc chắn và tâm thế sẵn sàng thay đổi, tiếp nhận cái mới. Việc lựa chọn các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số cũng vô cùng quan trọng trong việc đưa ra giải pháp và giúp doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng công nghệ phù hợp với quy mô và vào quy trình quản trị doanh nghiệp nhằm tối ưu việc chuyển đổi. Cuối cùng, doanh nghiệp cần xem xét, đánh giá lại quá trình và kết quả việc chuyển đổi số có đang theo kế hoạch và lộ trình đã đưa ra hay không, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
Với 27 năm hình thành và phát triển MISA luôn mang tinh thần khởi nghiệp với khẩu hiệu “Xả thân - Thần tốc - Đột phá”, không ngừng lăn xả mang tới các giải pháp hữu ích cho khách hàng từ khâu sản xuất, kinh doanh cũng như tư vấn hỗ trợ khách hàng... Hiện MISA AMIS được hơn 12.000 doanh nghiệp trên cả nước tin tưởng sử dụng. Các giải pháp của chúng tôi đáp ứng tối đa nhu cầu của các doanh nghiệp từ siêu nhỏ, vừa và nhỏ cho tới doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa chi nhánh.
Bà Đinh Thị Thuý, Tổng Giám Đốc MISA
Đối với các startup, vì "sinh sau đẻ muộn", phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trên thị trường nên càng cần có tư duy chuyển đổi số sớm để bứt phá so với đối thủ. Với ưu thế là mô hình doanh nghiệp nhỏ, quy trình đưa ra quyết định nhanh nhưng hạn chế về mặt nguồn lực cũng như tệp khách hàng, các startup cần ứng dụng công nghệ phù hợp với quy mô để gia tăng hiệu quả.
Hiểu được điều này, MISA đã phát triển những nền tảng công nghệ phù hợp với nhiều quy mô, trong đó nền tảng Kế toán dịch vụ MISA ASP giúp kết nối những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với những đơn vị kế toán dịch vụ với chi phí rất hợp lý, giúp cho hoạt động kế toán của các doanh nghiệp startup trở nên dễ dàng hơn, với mức chi phí hợp lý.
Với nền tảng này, doanh nghiệp sẽ giải quyết được bài toán rào cản chi phí, nhất là khi chuyển đổi số thì nghiệp vụ kế toán sẽ mở rộng ra trong khi nhân sự hiện có chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ mới. Qua nền tảng này, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng sẽ có được dữ liệu tài chính liền mạch, minh bạch để dễ tiếp cận vay vốn, phát triển kinh doanh.
MISA ASP cũng là một trong những nền tảng số xuất sắc được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn là giải pháp tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx). Doanh nghiệp được miễn phí 1 năm tài chính Phần mềm Kế toán online MISA AMIS Kế toán thông qua việc sử dụng kế toán dịch vụ trên nền tảng MISA ASP.
Ngoài ra, các startup cũng có thể sử dụng các giải pháp hóa đơn điện tử MISA MeInvoive và Chữ ký số từ xa MISA Esign để chuyển đổi số ngay từ khi mới thành lập, làm tiền đề để phát triển doanh nghiệp vững mạnh.
* Trong bối cảnh công nghệ như hiện nay, chuyển đổi số và văn hóa doanh nghiệp là hai yếu tố đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của doanh nghiệp. Bài toán đặt ra, làm thế nào xóa bỏ rào cản trong văn hóa doanh nghiệp để thích ứng với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay?
Bằng kinh nghiệm điều hành của MISA cho thấy, có 4 yếu tố quan trọng để xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp bền vững và có sự gắn kết chặt chẽ với nhau.
Đầu tiên phần "lõi" chính là định hướng chiến lược: Luôn sáng tạo, đi trước thời đại. Bên cạnh đó, công tác điều hành phải hướng đến 3 yếu tố quan trọng: Con người, quy trình và công nghệ. Nếu định hướng chiến lược là nền móng, thì con người là yếu tố trung tâm. Với MISA, con người là tài sản quan trọng nhất, để từ đó đưa ra những sản phẩm áp dụng công nghệ số - đóng góp vào việc phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Việc ứng dụng các nền tảng quản trị doanh nghiệp như MISA AMIS, đã mang lại hiệu quả không chỉ trong việc điều hành và quản trị doanh nghiệp, nền tảng này còn giúp kết nối các bộ phận, thành viên trên toàn hệ thống MISA toàn quốc.
Những thông điệp từ ban lãnh đạo nhanh chóng được chuyển đến cán bộ nhân viên, những hoạt động của từng văn phòng liên tục được cập nhật trên nền tảng mạng xã hội của MISA AMIS, khiến cho việc kết nối và truyền tải văn hóa trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều so với cách làm cũ.
Việc ứng dụng chuyển đổi số vào doanh nghiệp đã tạo nên sự kết nối dữ liệu chặt chẽ từ các hoạt động bên ngoài như: Công tác bán hàng, công tác chăm sóc khách khàng đến các nghiệp vụ bên trong như quản trị nhân sự, quản trị tài chính, mạng xã hội nội bộ… việc ứng dụng này đã khiến cho MISA có thể làm việc từ xa mà vẫn đạt được tối ưu hiệu quả, năng suất, đặc biệt là tối ưu hóa chi phí.
* Là doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho thị trường, theo thống kê của MISA thì những ngành nghề nào đang có những chuyển biến rõ rệt trong việc áp dụng số hóa vào quá trình sản xuất – kinh doanh?
- Hiện MISA đang cung cấp giải pháp công nghệ số cho 170.000 doanh nghiệp. Làn sóng chuyển đổi số đã có tác động tích cực và tạo ra nhiều thay đổi mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp trong nhận thức cũng như hành động chuyển đổi số. Đặc biệt là từ tư duy, nhìn nhận được vấn đề cấp thiết về chuyển đổi số của lãnh đạo các tổ chức.
Đơn cử, nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS ngày càng được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn triển khai cho thấy sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong việc trang bị giải pháp chuyển đổi số toàn diện trong quản trị từ tài chính - kế toán, nhân sự, bán hàng, điều hành...
Hiểu được các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp cũng như nhu cầu từ thị trường, MISA mới đây cũng chính thức cung cấp dịch vụ chữ ký số từ xa MISA eSign và nền tảng ký tài liệu số MISA WeSign trên các thiết bị thông minh để hoàn thiện hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ đón nhận bởi các giải pháp này vì có tính thực tiễn cao, đáp ứng xu hướng toàn cầu và hỗ trợ doanh nghiệp có thể chủ động giải quyết công trong nhiều hoàn cảnh.
* Ở góc nhìn của một doanh nghiệp công nghệ lớn như MISA, bà có đánh giá gì về khả năng hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian tới?
- MISA đã và đang tích cực tham gia đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia. Công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam được Chính phủ, các bộ Ban, ngành quan tâm và đẩy mạnh trong 2 năm trở lại đây.
Người Việt Nam giàu tri thức, sáng tạo và nhanh nhạy nắm bắt công nghệ nên tôi tin tưởng công cuộc chuyển đổi số sẽ đạt được nhiều thành tựu trong thời gian tới.
Về phía MISA, với sứ mệnh phụng sự xã hội, chúng tôi luôn nỗ lực để đóng góp vào chương trình chuyển đổi số Quốc gia bằng các giải pháp công nghệ, các nền tảng số Make in Việt Nam xuất sắc.
Trên tinh thần sẵn sàng chia sẻ tri thức với cộng đồng, MISA mong muốn đồng hành cùng các đơn vị HCSN, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể chung tay hướng đến mục tiêu Chính phủ số- Kinh tế số - Xã hội số để phát triển Quốc gia số.
* Cảm ơn bà đã chia sẻ!