Doanh nghiệp sẽ 'hốt bạc' nếu biết quản lý dữ liệu khách hàng theo chiều sâu
(DNTO) - Miếng bánh bán lẻ ngày càng bị xâu xé nhiều, để cạnh tranh, các doanh nghiệp cần tận dụng sự phát triển của công nghệ số để ứng dụng vào thương mại điện tử, đưa ra chiến lược kinh doanh và “đánh trúng” nhu cầu mua sắm của khách hàng.
"Thông tin là vàng, dữ liệu là kim cương"
Chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay đang là xu thế lớn của toàn cầu. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghệ 4.0 và sự tái bùng phát của đại dịch Covid-19, nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực này. Theo dự báo của các chuyên gia, chuyển đổi số và thương mại điện tử (TMĐT) sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Chia sẻ tại toạ đàm "Thương mại hóa các công nghệ cốt lõi, ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực TMĐT và bán lẻ" ngày 5/10, ông Trần Hữu Hoàng, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong mảng bán hàng cho rằng, ngày nay, khách hàng dựa vào tốc độ và sự tiện lợi của mua sắm trực tuyến, cũng như việc cung cấp các ưu đãi hoặc khuyến mãi từ các thương hiệu. Theo nghiên cứu, 70% người tiêu dùng muốn trải nghiệm của họ trên nền tảng online được cá nhân hóa hơn.
"Chúng ta ở thế giới vừa tiêu dùng sản phẩm lại chính là sản phẩm, những thông tin mà chúng ta tiêu dùng sẽ có giá trị rất lớn, khiến chúng ta trở thành yếu tố của những chương trình quảng cáo.Việc chúng ta phải thu thập thông tin của khách hàng để biết điểm mạnh, điểm yếu đều phải nằm trong câu chuyện của định lượng, do đó số hoá trong TMĐT và bán lẻ không còn là trend nữa mà đó là điều các doanh nghiệp chắc chắn phải làm", ông Hoàng cho hay.
Cũng theo ông Hoàng, chuyển đổi số để sinh ra tầm nhìn, đưa ra những dự đoán tương lai. Chẳng hạn như biết được doanh thu sẽ thay đổi như thế nào nếu Covid-19 xảy ra, biết được đối tượng khách hàng nào là lí tưởng cho sản phẩm của chúng ta, hay cần cá nhân hoá để lí tưởng những điểm "chạm" đắt giá cho khách hàng.
Ông Hoàng cho rằng, việc khai thác dữ liệu khách hàng rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp bán lẻ. Trên cơ sở định hướng của doanh nghiệp là sưu tập thông tin khách hàng và làm sao xác minh tính chính xác của nó để gợi ý đúng sản phẩm và nhu cầu khách hàng đang tìm kiếm, nên họ sẽ không có cảm giác bị làm phiền. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ giữ được chân khách hàng trung thành, lôi kéo được khách hàng mới mua hàng, sử dụng sản phẩm lâu dài.
Để tránh triển khai các hoạt động quảng cáo đeo bám và cá nhân hóa, ông Hoàng cho hay, các doanh nghiệp không nên chỉ đọc công nghệ thông tin, truyền miệng nhau, hay đơn thuần là định tính, mà chúng ta phải xử lí phân tích, tính toán bằng những công cụ đặc trưng như diễn biến của khách trên facebooks, checkin ở những điểm du lịch nào, nhà hàng nổi tiếng ở đâu... những thông tin này sẽ khiến chúng ta đưa ra những lời đề nghị cho khách mà không sợ làm phiền để từ đó có thể gom được tập khách hàng với chất lượng tốt nhất mà không đánh rơi chi phí.
"Việc biết chính xác thông tin cá nhân, ngày sinh, nơi sống, nhu cầu, sở thích, thói quen của khách hàng đối với một công ty thương mại điện tử rất quan trọng. Nhờ đó, doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng trúng những thông tin họ đang cần. Đây là mấu chốt quan trọng sẽ quyết định đến 80% thành công của doanh nghiệp", ông Hoàng phân tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc tập đoàn Fado chi nhánh miền bắc, nhận định, trong TMĐT, phần dữ liệu là yếu tố quan trọng bậc nhất.
Cụ thể, theo ông Hùng, trong TMĐT, phần dữ liệu được thể hiện ở việc chuẩn hoá về mặt cấu trúc thông tin sản phẩm, tiếp đó là dữ liệu người dùng, hoặc là nhà cung cấp, bán hàng trên sàn TMĐT, giúp sàn ứng dụng mô hình tối ưu hoặc ứng dụng các Big data, AI, giúp định vị khách hàng tốt hơn để chăm sóc và tăng trải nghiệm cho khách.
"Dữ liệu, dữ liệu và dữ liệu. Thông tin là vàng, dữ liệu là kim cương, nếu doanh nghiệp biết nắm bắt và tận dụng, bởi tài sản đáng quý trong tương lai không đơn thuần chỉ là bảng cân đối, hay tiền trong tài khoản mà nó còn là chất lượng dữ liệu chúng ta có được và tệp khách hàng chúng ta quản lí bằng chiều sâu", ông Hùng nhấn mạnh.
Để chuyển đổi số vào lĩnh vực TMĐT và bán lẻ được tối ưu nhất
Ông Phan Khánh Toàn, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp, ứng dụng CNTT trong ngân hàng, cho rằng, có 3 thách thức mà chuyển đổi số vào lĩnh vực TMĐT và bán lẻ phải đối mặt, đó là pháp lý, người dùng và công nghệ.
Đầu tiên về pháp lý, ông Toàn cho rằng, khi người dùng cung cấp thông tin cá nhân cho các nền tảng là bài toán khá nan giải, bởi doanh nghiệp sẽ dùng thông tin của khách hàng mang đi làm rất nhiều việc gây bất lợi, rắc rối cho người dùng. Đây là việc chúng ta phải nghiên cứu 2 chiều, vì mình rất cần nhưng khách khá e ngại.
"Thị trường gần đây nhiều vụ bị mất data, khiến gặp nhiều phiền toái lớn, như lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng... Do đó điều đầu tiên để chuyển đổi số được hay không rất cần hàng lang pháp lý để bịt những lỗ hổng, đảm bảo môi trường chuyển đổi số trong TMĐT an toàn. Chẳng hạn như xây dựng ID riêng cho công dân để đảm bảo tính pháp lý đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán, ngành ngân hàng sẽ rất tự tin vì nhờ ID này có thể cấp tín dụng mà không cần gặp mặt khách hàng", ông Toàn cho hay.
Thách thức thứ 2 đến từ người dùng. Theo ông Toàn, khi chúng ta cung cấp 1 sản phẩm số ra thị trường, việc chúng ta cần làm là đào tạo người dùng biết và áp dụng, điều này rất khó khăn và tốn chi phí.
"Hiện tại VTV đang đào tạo người dùng rất tốt qua qua những clip hay như: Làm sao để mở được tài khoản online, làm sao để mua bán... đấy là hệ thống truyền thông của nhà nước được huy động vào để thúc đẩy đào tạo người dùng quen với môi trường số, tương tác số, ở khía cạnh doanh nghiệp cũng rất cần đào tạo kỹ năng cho người dùng và nên tham khảo mô hình này", ông Toàn thông tin.
Thách thức 3 là về mặt công nghệ, ông Toàn cho hay, hiện nay có rất nhiều thông tin giả mạo, gây tổn hại cho doanh nghiệp không chỉ là chi phí, mà còn ảnh hưởng danh tiếng, thương hiệu. Do đó, làm sao để có ứng dụng công nghệ cho việc giải bài toán này, để từ data rác sang data cleaning và chuyển thành những action đưa ra những kết luận sắc nét. Điều đó đòi hỏi văn hoá và tư duy số luôn luôn phải đi đầu, mỗi doanh nghiệp phải có năng lực, tuy duy chủ động để áp dụng trực tiếp vào từng lĩnh vực cụ thể.
Cũng theo ông Toàn, chuyển đổi số không chỉ phụ thuộc vào yếu tố công nghệ mà điều quan trọng hơn cả nằm ở con người. Một doanh nghiệp sẽ chỉ triển khai việc chuyển đổi số thành công khi và chỉ khi toàn bộ đội ngũ nhân sự, bao gồm cả lãnh đạo và nhân viên vượt qua những “chiếc bẫy” trong tư duy – những điều có thể làm chậm lại hoặc “trật bánh” các sáng kiến chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Đồng thời, văn hóa trong giai đoạn chuyển đổi số phải linh hoạt và nhạy bén. Điều này thể hiện qua tốc độ và động cơ ra quyết định cũng như khả năng đáp ứng của tổ chức đối với những đòi hỏi thay đổi của công nghệ mới.
"Yếu tố này quan trọng là bởi doanh nghiệp không thể lúc nào cũng ngủ yên trên chiến thắng, đặc biệt là khi có rất nhiều doanh nghiệp đối thủ khác sẵn sàng tận dụng lợi thế công nghệ của mình để đuổi xa hơn và vươn tới vạch đích. Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại trong dòng chảy mãnh liệt của chuyển đổi số chỉ khi thực sự linh hoạt và kịp thời thích nghi với thay đổi và những điều mới mẻ", ông Toàn nhận định.