Cần chính sách ‘đúng’ và ‘trúng’ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
(DNTO) - Theo chuyên gia, để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới cần có những chính sách được phân tầng cụ thể hơn với từng nhóm đối tượng doanh nghiệp.
Trao đổi trong Hội thảo Khởi nghiệp trong đại dịch Covid-19: Thách thức và cơ hội cho startup Việt, chiều 4/10, ông Trần Vũ Tuấn Phan – Quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khoa học Công nghệ – Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, trong 5 năm từ 2015-2021, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ngày một trưởng thành, sự liên kết các thành phần trong hệ sinh thái cũng chặt chẽ hơn.
Cuối 2020, Việt Nam có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, gấp đôi so với con số 1.500 doanh nghiệp hồi năm 2015, trong đó đã có một vài startup kỳ lân. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
Trong 5 năm qua, đã có 40 tổ chức, đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp như vườn ươm, các tổ chức tăng tốc; hơn 100 mô hình không gian làm việc chung tại các tỉnh thành trên cả nước; hơn 100 quỹ đầu tư khởi nghiệp quốc tế và trong nước hỗ trợ các startup.
Hành lang pháp lý đã và đang hoàn thiện để hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Trong đó, Đề án 844 được Chính phủ phê duyệt đã tạo cú hích rất lớn cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cùng với một loạt thông tư, nghị định, chương trình hướng dẫn, phát triển khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, đứng ở vị trí người hỗ trợ khởi nghiệp và cả người từng khởi nghiệp, ông Phan cho biết, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện rất nhiều nhưng vẫn chưa thực sự “đúng và trúng”, bởi khi đi vào các vấn đề cụ thể thì rất thiếu.
Ví dụ như khái niệm, phạm trù liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nằm trong Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017. Hay những chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ, hỗ trợ thuế, tài chính cho doanh nghiệp đều có, nhưng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có. Theo ông Phan, nếu chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đánh đồng như chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì chưa ổn.
“Tương lai bán phở đổi mới sáng tạo phải khác với bán phở thông thường. Đặc biệt các công nghệ tiên phong như blockchain, AI, công nghệ năng lượng tái tạo… sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều, vì vậy chính sách hỗ trợ phải khác”, ông Phan nêu quan điểm.
Cũng theo vị này, hiện nay, các cơ quan quản lý rất khó phân biệt, đánh giá những mô hình doanh nghiệp có thực sự là khởi nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hay không. Do vậy rất khó để đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp. Vì vậy, trong thời gian tới, các thông tư, nghị định cần có sự phân tầng các doanh nghiệp để hỗ trợ hiệu quả.
“Ví dụ những doanh nghiệp công nghệ top đầu như VNG, VNPT chính sách hỗ trợ phải khác, họ cần chính sách vĩ mô như sandbox, thậm chí chỉ là những cơ chế gỡ nút thắt hiện tại là họ tự khắc cất cánh. Tuy nhiên, đối với những nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp mới hoàn toàn, cơ chế sandbox đưa vào không cẩn thận sẽ hỏng.
Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hời hợt, cũng đăng ký là doanh nghiệp công nghệ nhưng không có công nghệ lõi, mà chỉ là bên trung gian mua bán công nghệ. Những doanh nghiệp như vậy không có chính sách nào có thể hỗ trợ”, ông Phan nói.