Tiếp cận vaccine Covid-19: Bài toán quyền sở hữu trí tuệ và xuất khẩu
(DNTO) - Trên thế giới, ngày càng có nhiều lời kêu gọi, ủng hộ việc bãi bỏ bản quyền vaccine Covid-19, với hy vọng có thể sớm kết thúc đại dịch.
Mỹ và Nga – những nước sản xuất được nhiều loại vaccine Covid-19 cũng đã lên tiếng ủng hộ. Và quá trình đàm phán bãi bỏ bản quyền vaccine sẽ diễn ra ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, quá trình này được đánh giá có thể kéo dài hàng tháng bởi một số nước châu Âu và các hãng dược phẩm đều đã lên tiếng phản đối. Thay vì muốn bàn về việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine, EU kêu gọi các nước sản xuất vaccine lớn khác trước hết hãy xuất khẩu vaccine nội địa.
Hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng hoan nghênh việc Mỹ ủng hộ gỡ bỏ bản quyền sáng chế vaccine Covid-19.
Tổng giám đốc WHO ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Mỹ mới đây cho biết họ sẽ ủng hộ việc từ bỏ tạm thời các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Đó là một tuyên bố có ý nghĩa thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ việc tiếp cận vaccine công bằng. Tôi biết rằng đây không phải là điều dễ thực hiện về mặt chính trị”.
Cũng theo Người đứng đầu WHO, thực trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine hiện nay là điều không thế chấp nhận được về mặt đạo đức. Ông rất quan ngại khi ngày càng có nhiều dự báo cho rằng một số nước sẽ đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng giống như Ấn Độ hiện nay; khẳng định tình trạng phân phối vaccine không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo sẽ không giúp “xóa sổ” đại dịch.
Tuy nhiên, thay vì muốn tính tới việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19, hôm qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi Mỹ cùng các nước sản xuất vaccine lớn khác xuất khẩu vaccine nội địa tương tự như Liên minh châu Âu (EU) đang làm.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Tôi nghĩ chúng ta nên cởi mở với cuộc thảo luận bãi bỏ bản quyền sáng chế vaccine. Cần phải có cái nhìn đa chiều vì chúng ta đang rất cần vaccine cho thế giới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn và trung hạn, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine sẽ không giải quyết được vấn đề, sẽ không giúp mạng lại một liều vaccine nào trước mắt. Vậy điều gì cần làm hiện nay. Thứ nhất hãy chia sẻ vaccine; thứ hai là xuất khẩu vaccine mà các nước đang sản xuất. Thứ ba là đầu tư vào năng lực sản xuất vaccine”
Bà Ursula von der Leyen cho biết thêm, EU là khu vực duy nhất đang xuất khẩu vaccine với quy mô lớn trên thế giới. Khoảng 50% vaccine ngừa Covid-19 do châu Âu sản xuất được xuất khẩu sang gần 90 quốc gia, bao gồm cả những quốc gia trong chương trình tiếp cận công bằng vaccine COVAX do WHO khởi xướng.
Do đó, EU kêu gọi các quốc gia muốn thảo luận về dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine ngừa Covid-19, trước hết hãy cam kết sẵn sàng xuất khẩu chế phẩm này.
Đồng tình với quan điểm này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, chia sẻ bằng sáng chế vaccine không phải là vấn đề hiện nay. Ông nhấn mạnh, vấn đề chính nằm ở sự đoàn kết trong phân phối liều lượng vaccine.
Cùng với đó, các công ty dược phẩm cũng như nhiều nhà khoa học cho rằng việc bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19 sẽ tạo ra một tiền lệ không tốt và trong tương lai, các công ty dược phẩm sẽ không đầu tư, đẩy mạnh cho các phát minh để đối phó với các dịch bệnh khác xuất hiện. Và điều này thực sự rất nguy hiểm.