Chuyển đổi số doanh nghiệp: Chọn giải pháp kiểu ‘may đo’ hay ‘bán sẵn’?
(DNTO) - Việc lựa chọn quy trình chuyển đổi số phù hợp rất quan trọng với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo chuyên gia, với nguồn lực hạn chế, tài chính hạn hẹp, doanh nghiệp không nhất thiết phải có một quy trình cho riêng mình.
Theo các chuyên gia, trong chuyển đổi số doanh nghiệp, ERP - một hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, quản lý đa chức năng luôn là khao khát của tất cả các đơn vị.
Tuy nhiên, hệ thống ERP hiện có đầy đủ chức năng, chi phí rất cao, chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn, còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, ERP dường như là khát khao quá xa vời khi nguồn lực hạn chế, yêu cầu quản lý đơn giản.
Đừng quá ‘trèo cao’
Ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA (đơn vị chuyên cung cấp phần mềm quản lý cho các cơ quan, doanh nghiệp) cho biết, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, doanh nghiệp nhỏ không kém lợi thế so với doanh nghiệp lớn khi chuyển đổi số, bởi trên thị trường đã có rất nhiều các giải pháp công nghệ linh hoạt, phục vụ cho chuyển đổi số.
Ngoài ERP, theo ông Quang, chuyển đổi số doanh nghiệp còn còn là sự kết nối với các hệ sinh thái khác như sàn thương mại điện tử, thậm chí thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp… Nếu không đủ lực để áp dụng ERP, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể lựa chọn các giải pháp riêng lẻ, áp dụng cho từng bộ phận như bán hàng, nhân sự, tài chính… mà không quá lo ngại về ngân sách, thậm chí khi áp dụng có phần linh hoạt hơn ERP.
Trước băn khoăn về việc các giải pháp chuyển đổi số hiện đều là phần mềm viết sẵn, nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ không phù hợp khi áp dụng với đơn vị mình, ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Bizen Việt Nam, chuyên gia tư vấn và quản trị doanh nghiệp cho biết, trước đây, các phần mềm chuyển đổi số được viết sẵn ở Việt Nam hầu hết đều mua lại từ nước ngoài, sau đó sửa đổi, chắp vá.
Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, các ứng dụng chuyển đổi số ở Việt Nam đã có thể phù hợp với 60-70 % tình hình của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ với số vốn không nhiều. Vì vậy, theo ông Minh, xu thế lựa chọn một nền tảng với giải pháp tổng thể, có những ứng dụng riêng lẻ phù hợp là lựa chọn khôn ngoan khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi số.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hồng Quang cũng cho biết, hiện các phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số đã được cung cấp cho hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp trên thị trường, đã có sự tiếp thu và điều chỉnh để chọn lọc những yếu tố có lợi cho doanh nghiệp, vì vậy, doanh nghiệp dễ dàng có thể lựa chọn quy trình phù hợp cho đơn vị mình.
Ngoài ra, đối với quy trình chuyển đổi số tích hợp sẵn, mỗi khi công nghệ thay đổi, hành vi khách hàng thay đổi, các đơn vị cung cấp sẽ tự động cập nhật quy trình, điều này đơn giản và linh hoạt hơn so với việc doanh nghiệp ‘may đo’ một quy trình riêng, tốn chi phí rất lớn mà mỗi một lần thay đổi sẽ phải chờ đợi vài tháng để sửa đổi toàn bộ hệ thống mà chưa chắc đã tốt hơn.
“Doanh nghiệp hãy hài lòng, tập trung khai thác hết giá trị của 80-90% các phần mềm, ứng dụng đó đã là thành công rồi, chỉ một vài điểm nhỏ không quá quan trọng để doanh nghiệp phải tốn công sức, tiền bạc đặt viết riêng, phục vụ riêng khi quy mô còn nhỏ, chi phí và thời gian như vậy không phù hợp. Đau ở đâu thì khắc phục ở đó, có ngân sách đến đâu thì chọn đến đó để làm”, ông Quang cho hay.
Giải pháp chuyển đổi số phải thay đổi khi doanh nghiệp lớn lên
Tuy nhiên, việc lựa chọn nền tảng có sẵn, phù hợp với quy mô và tài chính doanh nghiệp nhỏ theo ông Lê Hồng Quang chỉ mang tính ngắn hạn, trong 2-3 năm. Khi doanh nghiệp phát triển, mở rộng quy mô, những giải pháp này không còn phù hợp và không theo suốt được quá trình phát triển của doanh nghiệp.
Trong khi đó, dữ liệu mà doanh nghiệp tích lũy như hành vi khách hàng, quá trình kinh doanh, doanh thu… hay gọi là dữ liệu lịch sử rất quan trọng với doanh nghiệp. Vì vậy, ông Quang cho biết, khi doanh nghiệp phát triển với quy mô lớn hơn, các nền tảng công nghệ sẽ tiếp tục phải thay đổi. Quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp không phải đích đến, mà là quá trình, doanh nghiệp sẽ phải liên tục chuyển đổi số để tồn tại, cạnh tranh và phát triển.
Còn theo ông Nguyễn Quang Minh, các doanh nghiệp khi làm việc với các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số, cần bàn bạc kĩ lưỡng để lựa chọn phần mềm phù hợp, có thể cho phép mở rộng khi doanh nghiệp lớn lên.
“Khi doanh nghiệp đã phát triển tới một quy mô nhất định, tài chính có đủ và mô hình kinh doanh phức tạp lên thì các phần mềm cũ không cần thiết phải bỏ đi mà có thể cơi nới, phát triển một cách hợp nhất, thống nhất, như vậy tốt hơn rất nhiều”, ông Minh cho biết.