Chuyển đổi số nền kinh tế
(DNTO) - Loài người đang đứng trước những biến đổi kỳ diệu trong kỷ nguyên số. Kỷ nguyên này được nạp nguồn năng lượng, đặc biệt là cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, một cuộc cách mạng thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trên toàn thế giới.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ số đã kết nối và siêu kết nối giữa toàn bộ thế giới thực của con người thành thế giới số, làm tăng khả năng hiểu biết và sáng tạo trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Chính vì lẽ đó, nhiều tố chất và sản phẩm hàng hóa mới hàm chứa trí tuệ thông minh đã ra đời như: học tập thông minh, đời sống sinh hoạt thông minh, thành phố thông minh, quản trị thông minh, sản xuất kinh doanh thông minh, sản phẩm hàng hóa thông minh, vũ khí thông minh…
Chuyển đổi số được thực hiện trên nhiều lĩnh vực nhưng trước hết và tập trung nhất là chuyển đổi số nền kinh tế. Chuyển đổi số nền kinh tế được hiểu là quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số, công nghệ số được sử dụng phổ biến và ứng dụng sáng tạo làm thay đổi phương thức lãnh đạo, điều hành và tổ chức công việc từ bộ máy công quyền đến các doanh nghiệp và người sản xuất trực tiếp, nhằm tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có và tạo ra các nguồn lực mới cho nền kinh tế.
Các công nghệ mới giúp cho việc chuyển đổi số rất phong phú, đa dạng, tập trung vào 7 nhóm chính là: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Thực tế ảo (VR), và Thực tế ảo tăng cường (AR), Chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI), In 3D.
Chuyển đổi số được thực hiện trên cơ sở số hóa dữ liệu, biến các dữ liệu thực thành dạng số. Trên cơ sở các dữ liệu số đã có, có thể dùng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích, tổng hợp và biến đổi nó tạo ra nhiều giá trị ứng dụng quan trọng khác. Những thông tin trên đã được xử lý sẽ là dữ liệu cho việc nghiên cứu, kiến tạo những chủ trương, chính sách ở tầm quốc gia cũng như từng doanh nghiệp, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế và tạo tiện ích cho xã hội, người dân.
Quá trình chuyển đổi số nền kinh tế cũng là quá trình thực hiện đồng bộ 5 nhóm công việc trọng yếu.
Thứ nhất, xây dựng thể chế cho chuyển đổi số. Cần xây dựng thể chế để xác định rõ khung pháp lý của chuyển đổi số, chỉ có như vậy mới có thể tiến hành các bước đi hợp với nhu cầu mới, điều chỉnh các quan hệ mới và tạo môi trường thể chế thuận lợi cho sự phát triển các đơn vị quản lý số cũng như các loại hình kinh doanh mới theo hướng số hóa. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác giữa người dân – doanh nghiệp – Nhà nước trong điều kiện kinh tế chuyển đổi.
Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi số. Cơ sở hạ tầng để số hóa nền kinh tế là những nền tảng công nghệ mới như công nghệ dữ liệu lớn, Internet vạn vật, công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác. Các hạ tầng chuyển đổi số cần được kết nối liên thông đồng bộ giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước. Hạ tầng chuyển đổi số có sự đồng bộ và liên thông nhưng cần có cơ chế phân cấp, chia sẻ dữ liệu công khai, rõ ràng, minh bạch.
Thứ ba, xây dựng và vận hành Chính phủ số. Chính phủ là cơ quan đầu não chỉ huy toàn bộ quá trình chuyển đổi số và quản lý điều hành toàn bộ nền kinh tế số. Vậy nên Chính phủ phải đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số với mọi hoạt động của mình. Chính phủ số khi được xây dựng hoàn thiện sẽ vận hành hết sức thuận lợi do các công nghệ số hỗ trợ để đưa ra các chủ trương, chính sách kịp thời, thích hợp với đòi hỏi của thực tế.
Thứ tư, phát triển các loại hình doanh nghiệp số và thúc đẩy số hóa các hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp số là loại hình doanh nghiệp thông minh, chỉ xuất hiện và hành động có hiệu quả trong nền kinh tế số. Thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ thay đổi công nghệ và phương thức vận hành, hợp lý hóa quá trình sản xuất, tối ưu hóa vào sử dụng nguồn lực, sáng tạo các sản phẩm mới. Từ đó sẽ tăng năng suất, hiệu quả, doanh thu và lợi nhuận.
Thứ năm, phát triển nguồn lực chất lượng cao, phong phú cho việc chuyển đổi số. Chuyển đổi số đòi hỏi phải có nguồn lao động chất lượng cao trên cơ sở kỹ năng sử dụng công nghệ truyền thống được nâng tầm kỹ năng sử dụng công nghệ số. Điều đó đặt ra nhiệm vụ thiết lập các cơ sở đào tạo có chất lượng cao, đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu mới. Đồng thời bản thân đội ngũ lao động cũng phải tự đào tạo. Việc đào tạo và tự đào tạo được hỗ trợ đắc lực bởi lượng tri thức khổng lồ đã được số hóa trong các thiết bị học tập và các phương thức đào tạo mới thực sự linh hoạt, hiệu quả.
Kinh tế số là nền kinh tế mở toàn bộ các quá trình sản xuất, lưu thông phân phối, trao đổi, tiêu dùng đều được vận hành trên cơ sở công nghệ số.
Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách để tham gia và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ động và tích cực thực hiện chuyển đổi số nền kinh tế.
Chúng ta tin tưởng rằng, cuộc chuyển đổi này sẽ hiện đại hóa các ngành sản xuất truyền thống và tạo lập các ngành kinh tế mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, chúng ta có điều kiện để gia tăng năng lực nội sinh của nền kinh tế, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh để kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Khi quá trình chuyển đổi số từng bước được hoàn thiện thì nền kinh tế truyền thống cũng từng bước chuyển thành kinh tế số. Về cấu trúc, kinh tế số bao gồm hạ tầng kinh doanh điện tử (hạ tầng “cứng" và hạ tầng “mềm", viễn thông, mạng, nguồn lực); phương thức kinh doanh và tổ chức sản xuất điện tử: thương mại điện tử.
Kinh tế số cũng là kinh tế thông minh, kết nối chặt chẽ nội bộ nền kinh tế và kết nối toàn cầu. Tất cả các thành phần tham gia trong nền kinh tế số, từ doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cá nhân, cộng đồng và các nhà quản lý, hoạt động chính sách đều ứng dụng công nghệ số phù hợp với yêu cầu, chức năng của mình.