Chuyển đổi số giúp khu vực kinh tế tư nhân khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực
(DNTO) - Vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, khu vực này còn nhiều vướng mắc, những rào cản, nút thắt chưa được khơi thông, chưa giải phóng được nguồn lực từ tư nhân mặc dù nguồn lực này rất lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, về mặt khách quan, khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển còn nhiều vướng mắc, tạm gọi là rào cản, nút thắt, điểm nghẽn mà chúng ta chưa tháo gỡ, khơi thông được, chưa giải phóng được nguồn lực từ tư nhân mặc dù nguồn lực này rất lớn.
“Làm thế nào khơi thông, giải phóng điểm nghẽn, nguồn lực, làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nhà đầu tư yên tâm đầu tư thay vì mua vàng, USD?”, ông đặt câu hỏi.
“Chúng ta có thể không vượt qua bẫy trung bình nếu không thay đổi nhanh. Theo đánh giá của World Bank, cơ hội chỉ còn 10 năm nữa thôi, vì đây là giai đoạn dân số vàng, đến năm 2030 bắt đầu chuyển sang già hóa dân số”, Bộ trưởng Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chiến tranh thương mại tạo ra làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ, đồng thời thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng cải thiện tốt hơn. Cùng với đó, Việt Nam đã ký nhiều FTA tạo ra thị trường rộng lớn, mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội. “Đây là cơ hội vàng phải nắm lấy, tận dụng mọi thời cơ, cơ hội”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho rằng, chúng ta phải quan tâm, để ý nhiều hơn nữa đến khu vực doanh nghiệp vừa. Mặc dù chỉ chiếm 2%, nhưng doanh nghiệp vừa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các ngành nghề, và phải đưa doanh nghiệp vừa vào ưu tiên như startup. Bởi đây sẽ là nền tảng để phát triển thành doanh nghiệp lớn.
“Để khu vực kinh tế tư nhân nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, việc chuyển đổi số là việc phải làm ngay, vì đây là cơ hội sống còn trong bối cảnh hiện nay”, ông Thân nói.
Theo ông Thân, khi dịch Covid-19 xảy ra, tính riêng 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có khoảng 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và mất đi công ăn việc làm của 1,8 triệu người lao động. Tuy nhiên, cũng trong cùng thời gian này, có 99.000 doanh nghiệp được thành lập mới, chủ yếu là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và điều hành quản trị.
Theo khảo sát, các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo phương cách truyền thống và gặp nhiều khó khăn khi đối diện với đại dịch. Ngược lại, các doanh nghiệp thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường và ứng dụng triệt để khoa học và công nghệ thì tỉ lệ tồn tại cao.
“Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội để làm ăn có lãi và chuyển đổi số là chìa khóa giúp Chính phủ, doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, cắt giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính”, ông Thân nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến câu chuyện chuyển đổi số, ở góc độ là doanh nhân nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nông sản, nông nghiệp, và Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Cty Bagico Bắc Giang, bày tỏ, hiện còn nhiều bất cập trong công tác xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất nhập khẩu nông sản. Vì chúng ta không có chiến lược tốt, nông nghiệp manh mún, người dân hoạt động tự phát nên mới có câu chuyện giải cứu.
Bà Thực kiến nghị: “Năm 2020 cho thấy bức tranh ảm đạm của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Vì vậy, đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong nông nghiệp quá lớn và quá nhiều mảng, do đó chúng ta phải chuyển từ gốc, từ hộ dân, từ mét đất…”.
Bên cạnh đó, bà Thực cũng nhấn mạnh, để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước cần đứng ra quản lý và đảm bảo an ninh cho nguồn giống trong nông nghiệp. Đặc biệt, phải có thu mua, đóng gói ngay tại chỗ cho bà con. Và cần có bảo hiểm nông nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp khi xảy ra khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh…
TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, hiện kinh tế tư nhân chiếm 43% GDP, tạo ra 85% tổng số việc làm và góp phần to lớn vào an sinh xã hội và sẽ đóng góp nhiều hơn bởi số lượng doanh nghiệp đang trên đà tăng nhanh qua thời gian...
Chính phủ, cơ quan chức năng cần đánh giá toàn diện, đầy đủ và bình đẳng đối với khu vực kinh tế tư nhân để huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực này phát triển tương xứng với vị thế của mình.