Tập trung thị trường nội địa và chuyển đổi số để vực dậy ngành du lịch
(DNTO) - Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh trong ngành du lịch, dịch vụ rơi vào tình cảnh lao đao, thậm chí nhiều doanh nghiệp chỉ còn bộ khung vì Covid-19.
Những khó khăn không hồi kết
Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19 tại cộng đồng khiến du lịch những tháng đầu năm 2021 với nhiều hy vọng "khởi sắc" lại rơi vào tình trạng ảm đạm. “Ngành du lịch đang có đà tăng trưởng suốt 4 năm liền, nhưng khi đại dịch Covid xuất hiện đã đảo lộn tất cả, gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, dịch vụ”, ông Bình bày tỏ.
Theo ông Bình, du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài; doanh thu giảm gần 60% so với năm 2019. Trong số các doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khối lữ hành chịu thiệt hại khá nặng nề, bởi đây là đơn vị trung gian, thực hiện các dịch vụ cho du khách. Nhiều đơn vị lữ hành phải đóng cửa, dừng hoạt động; không ít đơn vị phải chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng khối lữ hành cũng đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, khôi phục thị trường. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, ngay khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động chương trình kích cầu du lịch, đã có hàng trăm doanh nghiệp lữ hành đăng ký tham gia. “Sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành tạo cho xã hội cảm nhận về sức sống mãnh liệt của ngành du lịch”, ông Bình nói.
Đại diện Công ty du lịch Vietravel cho hay, năm 2019, doanh thu của doanh nghiệp này là hơn 7.000 tỉ đồng, nhưng năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra đã giảm còn hơn 1.000 tỉ đồng. Hiện chỉ có 40% lao động được bố trí đi làm, còn lại nghỉ không lương và đi làm xen kẽ. Các văn phòng của Viettravel tại Việt Nam đóng cửa 33/41 văn phòng.
“Khi dịch xảy ra, chính sách của Chính phủ là miễn, giảm, giãn thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp. Nhưng thực tế là doanh nghiệp có thu nhập đâu mà giảm”, vị đại diện này cho hay.
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp du lịch khi dịch Covid-19 xảy ra, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt cho biết, thực tế không chỉ có các công ty lữ hành, mà phần lớn các cơ sở lưu trú cũng rơi vào tình thế lao đao. Nhà nước đã có những chính sách miễn giảm thuế, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ.
Tuy nhiên, để cho doanh nghiệp du lịch tồn tại thì không chỉ nhờ vào các gói hỗ trợ của nhà nước mà điều quan trọng là cần có khách du lịch. Sự vắng bóng của du khách đã khiến không ít khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa.
Ông Hoàng Nhân Chính, Tổng Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nhận định: "Rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lưu trú như là các khách sạn. Hiện nay các khách sạn nhỏ, kể cả khách sạn lớn cũng đã bắt đầu rao bán, nên điều quan trọng nhất hiện nay là giúp cho doanh nghiệp du lịch tồn tại để họ giữ được lực lượng lao động trong ngành du lịch; đó mới là điều đáng quý nhất".
Tập trung thị trường nội địa và chuyển đổi số để vực dậy ngành du lịch
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh, kích cầu du lịch thời gian tới sẽ là sự kết hợp các dịch vụ để thu hút du khách. “Phát triển du lịch nội địa không chỉ là định hướng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam mà còn là định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chúng ta đã và đang phát triển chương trình kích cầu. Kích cầu du lịch thời gian tới sẽ là sự kết hợp các dịch vụ để thu hút khách du lịch. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng sẽ tổ chức Diễn đàn Du lịch nội địa”, ông Bình nói.
Ông Vũ Thế Bình lưu ý, các hoạt động kích cầu du lịch thu hút đông người cần có sự kết hợp với nhiều hoạt động khác.
Song song với việc chuyển hướng lấy thị trường nội địa làm mũi nhọn để vực dậy ngành du lịch, du lịch Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt việc chuyển đổi số. Ông Bình nhận định, đại dịch Covid-19 là một “cú huých” mạnh mẽ để tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, phải nhanh chóng triển khai chuyển số để tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.
Nắm được xu hướng này, từ năm 2020 đến nay đã chứng kiến nỗ lực vượt bậc của cả ngành du lịch Việt Nam nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ để thay đổi cách thức hoạt động và phát triển sản phẩm mới.
Hầu hết công ty du lịch lớn như Saigontourist, Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Goldentour… đều áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới, quảng bá tour, giao dịch với khách hàng thông qua các ứng dụng.
Bàn thêm về giải pháp cho hoạt động lữ hành trong thời gian tới, bà Lê Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, các đơn vị cần có sự thấu hiểu, chia sẻ khó khăn để cùng xây dựng sản phẩm du lịch an toàn. “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy, bên cạnh việc các đơn vị lữ hành liên minh, liên kết, ngành du lịch cần có sự hỗ trợ của các lĩnh vực khác, như Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông để du lịch Việt Nam phát triển an toàn, hiệu quả”, bà nói.