Điểm danh những ngân hàng sẽ được 'rộng tay' nới room tín dụng cuối năm
(DNTO) - Có 11 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng trong quý 4/2021, trong đó, TPBank, Techcombank, MSB và MBBank là 4 ngân hàng được cấp room cao nhất, lên tới trên 20%. Điều này giúp các nhà băng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, khi trần tín dụng đã chạm đáy.
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã chạm đến hạn mức tín dụng của năm. Khi tăng trưởng tín dụng được đánh giá là một yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng duy trì mức lợi nhuận cao, các nhà băng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng cho họ trong bối cảnh nền kinh tế hoạt động trở lại. Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tín dụng tăng, dư nợ tín dụng cũng tăng mạnh hơn, tăng trưởng tín dụng theo đó dự báo sẽ đạt trên 12% cho cả năm 2021.
Với chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp hồi phục sau giai đoạn Covid-19, Phó thống đốc Đào Minh Tú từng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng nới room tín dụng để cấp vốn cho nền kinh tế.
Cùng với đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại không chịu ảnh hưởng quá mạnh bởi đợt giãn cách xã hội quý III, đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước sớm cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng có chất lượng tài sản và chỉ số an toàn tốt.
"Với hạn mức tín dụng đề ra đầu năm là 12% thì vẫn còn dư địa hơn 3% trong hai tháng cuối năm. Đồng thời, con số 12% là linh hoạt, có thể nới rộng hơn nếu lạm phát ổn định", Phó thống đốc cho biết.
Theo đó, hàng loạt ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý 4/2021, điều này giúp các nhà băng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
Cụ thể, trong số 11 ngân hàng được nới room, có 4 ngân hàng được nâng hạn mức tín dụng lên trên 20%, bao gồm: TPBank (23,4%), Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). VIB và VPBank đứng ở nhóm tiếp theo với hạn mức tín dụng lần lượt 19,1% và 17,1%.
Trong nhóm ngân hàng TMCP nhà nước, Vietcombank được nới room tín dụng mạnh nhất, lên 15%. Trong khi đó, hai ngân hàng quốc doanh là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%. Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.
Bên cạnh đó, dù dịch bệnh Covid-19 có tác động tiêu cực vào nhu cầu tín dụng cũng như dự phòng của các ngân hàng, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, ảnh hưởng này không làm giảm quá nhiều lợi nhuận, do nhiều ngân hàng đã hoàn thành khoảng 60% kế hoạch lợi nhuận năm và trích lập phần lớn các khoản nợ tái cơ cấu cần trích trong năm 2021.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng dự kiến đạt lần lượt 408.692 tỷ đồng và 169.857 tỷ đồng - mức cao hơn so với tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường chung. Việc hỗ trợ lãi suất bắt đầu từ tháng 7/2021 khiến giảm thu nhập lãi trong quý 3/2021, tuy nhiên vào quý 4/2021, khi dịch bệnh được kiểm soát và nhu cầu tín dụng phục hồi trở lại, thu nhập lãi cũng có thể tăng trở lại.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được thực hiện trong thời gian tới, sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại. Đây sẽ là cơ hội cho cả ngân hàng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-9 lần thứ 4.