Các ngân hàng đang thực hiện 'lộ trình' về đích ra sao?
(DNTO) - Hiện nay, nhìn chung các ngân hàng vẫn đang kiểm soát tốt chất lượng tài sản- là cơ sở cho tăng trưởng tín dụng cuối năm cũng như năm tiếp theo. Bên cạnh đó, ngân hàng đã dùng tất cả những dư địa có thể như trích lợi nhuận và tiết giảm chi phí để giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Thắng lớn nhờ mảng dịch vụ, chuyển đổi số
Báo cáo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 11/2021, dư nợ tín dụng toàn ngành tăng trưởng 10,1% so với đầu năm, cao hơn so với mức tăng 8,4% tại thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Tín dụng tăng trưởng rất nhanh thời gian gần đây được coi là diễn biến dễ hiểu, do nhu cầu vốn vay tiêu dùng và vốn phải phục vụ sản xuất kinh doanh thường tăng rất mạnh trong cao điểm cuối năm.
Việc mở cửa trở lại trên toàn quốc từ đầu quý IV/2021 giúp nhóm khách hàng doanh nghiệp trở lại hoạt động, kéo theo nhu cầu tín dụng cuối năm tăng cao. Đây chính là nền tảng để có thể kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 đạt 14%.
Cụ thể, tính đến đầu tháng 11, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021, với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 45% và hoàn thành bình quân 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021. Trong đó, một số ngân hàng đã hoàn thành 85 - 105% mục tiêu đề ra, có thể kể đến như Techcombank, MB, ACB, MSB, SHB, LienVietPostBank và SeABank.
Đáng lưu ý, dù dịch bệnh vẫn phức tạp, song nhờ chi phí vốn rẻ, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) được cải thiện, nguồn thu ngoài lãi, đặc biệt là thu dịch vụ (chủ yếu là từ mảng thanh toán, bảo hiểm) tăng mạnh, giúp các ngân hàng vẫn lãi lớn.
Chẳng hạn, Techcombank ghi nhận khoản thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 4.280 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm đạt hơn 710 tỷ đồng, tăng 31%; MSB cũng ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ tăng gấp 5 lần, trong đó có tới 65% đến từ bảo hiểm; NamABank tăng 81%...
Ngoài ra, mảng chứng khoán đầu tư cũng mang lại lợi nhuận béo bở cho các ngân hàng.
Ví dụ, BacABank đạt mức tăng trưởng 307,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 7,2% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng; TPBank tăng 156% so với cùng kỳ và đóng góp 14,8% vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng…
Nhiều ngân hàng dự báo lợi nhuận sẽ tăng mạnh hơn nữa trong quý IV/2021. Kỳ vọng của các ngân hàng hoàn toàn có cơ sở khi hiện nay Chính phủ triển khai các gói kích thích kinh tế: Giảm thuế, giảm phí, cắt giảm lãi suất điều hành, tăng hạn mức tín dụng, thực hiện gói cấp bù lãi suất…, nhằm kích cầu nền kinh tế.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Trung cho rằng: "Khi nền kinh tế hoạt động trở lại, nhu cầu tín dụng tăng lên, dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn. Cùng với thu nhập lãi ngoài tiếp tục được cải thiện, đặc biệt một số ngân hàng ghi nhận khoản lợi nhuận từ thương vụ bán vốn và ký hợp đồng độc quyền Bancassurance giúp lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng mạnh hơn trong cuối năm".
Ngoài ra, theo khảo sát mới đây của Deloitte, các ngân hàng có khả năng "sống khoẻ" nhờ “chạy đua” với dịch vụ ngân hàng số. Với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có ứng dụng ngân hàng số Digibank; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có chiến dịch chuyển đổi số "BIDV Digi Up", công bố nhiều dự án chuyển đổi số... giúp giá trị giao dịch cao gấp 3 lần.
Bên cạnh đó, trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, kết quả kinh doanh của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng tốc kể từ quý IV/2021 trên nền chất lượng tài sản được duy trì ở mức tốt và trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại.
Đồng thời, chi phí dự phòng được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý IV để hoàn tất trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu. Dự báo năm 2022, nhóm phân tích cho rằng áp lực trích lập dự phòng sẽ giảm xuống khi nền kinh tế hồi phục.
"Việc trích lập dự phòng sớm sẽ là cơ sở cho tăng trưởng lợi nhuận cho những năm tiếp theo khi tình hình tài chính của khách hàng hồi phục hoặc khi các ngân hàng thanh lý tài sản đảm bảo", ACBS cho hay.
"Tiếp sức" cho ngân hàng bứt tốc thành công
Để không ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng cũng như đáp ứng nguồn vốn cho doanh nghiệp, người dân, các ngân hàng cũng đã xin nới room tín dụng để có thể có nhiều dư địa cho vay.
Theo các ngân hàng, việc được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng, bởi trong trường hợp không được cấp thêm hạn mức, nhiều ngân hàng chạm trần sẽ không thể tiếp tục cho vay.
Chẳng hạn, nếu không được cấp thêm hạn mức thì tín dụng Vietcombank và MB chỉ có thể tăng thêm 0,8-0,9% trong 3 tháng cuối năm 2021; còn Techcombank và BIDV không thể cho vay thêm. Như vậy, sẽ ảnh hưởng mạnh tới khả năng tăng trưởng lợi nhuận khi khoảng 75% tổng doanh thu của các ngân hàng này đến từ thu nhập lãi thuần.
Theo đó, tại Diễn đàn Kinh tế 2021, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, cơ quan này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12%, và có thể điều chỉnh linh hoạt với tình hình thực tế.
Đồng thời, trước việc các nhà băng tích cực giảm lãi suất "thực chất" như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng phát đi tín hiệu có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tháng 12/2021. Nhờ đó, các nhà băng có điều kiện miễn, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới, cơ cấu lại nợ vay cho các doanh nghiệp.
"Cần thiết tăng thêm vốn cho các ngân hàng thương mại, bởi nếu tăng được 1 đồng vốn cho khối này sẽ tăng được 8 đồng cho dư nợ nền kinh tế", ông Hà nhận định.
Bên cạnh đó, TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, với mức lạm phát cuối năm 2021 có khả năng dưới 3%, thì có thể giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn... Nhờ đó mà đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống.
Trong tháng 11, bên cạnh một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi, cũng có ngân hàng bắt đầu có động thái điều chỉnh tăng, nhằm chuẩn bị vốn cho mùa tăng tốc kinh doanh cuối năm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như đã đề cập trong Thông tư 08 sẽ phần nào giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
Về rủi ro lạm phát, Ngân hàng Nhà nước dự kiến năm 2022 có áp lực lớn do độ mở của nền kinh tế và áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các tổ chức quốc tế đã có cảnh báo khoảng 3,5 - 4%, rủi ro lạm phát vượt 4% sẽ phụ thuộc giá cả thế giới.
“Lạm phát ở các nước phát triển đang ở mức kỷ lục nên Ngân hàng Nhà nước phải chuẩn bị các kịch bản cần thiết. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng nên tổ chức tín dụng phải dùng nguồn lực tài chính của mình để xử lý nợ xấu”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại buổi chất vấn tại nghị trường Quốc hội mới đây.
Tuy nhiên, bà Hồng khẳng định, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất, song phải đảm bảo tỷ lệ an toàn của tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống.