Ngành tài chính - ngân hàng đầu tư cho công nghệ để giành 'miếng bánh' tỷ USD
(DNTO) - Cuộc đua chiếm lĩnh miếng bánh thị trường đã thúc đẩy ngành tài chính tăng tốc chuyển đổi số. Giới chuyên gia nhận định, sự “bùng nổ” xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), Fintech (công nghệ tài chính)..., ước tính đem lại giá trị gia tăng lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.
Theo khảo sát của Flexera - Báo cáo về chi tiêu cho công nghệ của các nhóm ngành trong năm 2020, cho thấy chi tiêu của mảng dịch vụ tài chính đứng thứ 3, tương đương chi phí bỏ ra cho công nghệ chiếm đến 10% doanh thu. Con số này cao hơn mức trung bình tất cả các ngành là 8,2%.
Trong đó, nhóm tài chính – ngân hàng còn "chịu chi" đến 34% chi phí cho việc đầu tư IT nhằm thúc đẩy doanh số và xếp vị thứ 2, chỉ sau lĩnh vực công nghệ.
Những thay đổi sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại cho phép ngành ngân hàng thiết lập một “cuộc chơi mới” với nhiều sự bứt phá trong quá trình chuyển đổi số.
Một trong những công nghệ đột phá mà ngành ngân hàng "đầu tư" phải kể đến là AI. Công nghệ này giúp các ngân hàng có thể cải thiện toàn bộ quy trình và bộ máy hoạt động trong doanh nghiệp, đưa ra những dự báo chính xác dựa trên cơ sở dữ liệu, từ đó cho phép ngân hàng đưa ra quyết định tốt hơn cũng như nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng.
Theo ông Lê Hồng Việt, CEO FPT Smart Cloud, kỳ vọng của khách hàng về trải nghiệm, tốc độ phục vụ và tương tác ngày càng tăng đã đặt áp lực lên các ngân hàng và công ty tài chính. Trong bối cảnh đó, AI trở thành một chiến lược có thể thay đổi cục diện ngành ngân hàng, nhất là ở những khía cạnh liên quan đến tương tác với khách hàng, quản trị rủi ro.
"Tiềm năng ứng dụng của AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có thể lên tới 1,3 nghìn tỷ USD, với tốc độ ứng dụng ngày càng tăng. Trong tương lai 10 năm nữa, các công ty sẽ không còn lấy nền tảng là công nghệ, mà thay vào đó là lấy nền tảng là AI", ông Việt nhận định.
Trong khi đó, việc sử dụng hiệu quả công nghệ blockchain giúp đảm bảo tính bền vững của tất cả các hoạt động diễn ra trong hệ thống, đồng thời chống lại các cuộc tấn công an ninh mạng hay những thay đổi trái quy định. Một số chuyên gia tài chính cho rằng trong tương lai, công nghệ này sẽ thay thế các hệ thống chuyển khoản của ngân hàng hiện tại, người dùng có thể xác minh danh tính bằng những bước đơn giản và thông tin này được lưu trữ, cấp quyền cho các ngân hàng khác trong cùng một hệ thống.
Một ví dụ điển hình tại Việt Nam là việc ứng dụng thành công blockchain trong giao dịch L/C (thanh toán bằng thư tín dụng) đã đưa MBBank trở thành một trong số hơn 80 ngân hàng và doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới gia nhập vào một mạng lưới chung Contour. Theo đó, toàn bộ quy trình nghiệp vụ thư tín dụng, từ khâu phát hành đến khâu xuất trình chứng từ theo L/C trên mạng lưới Contour được thực hiện chỉ trong 2 giờ và hoàn toàn đảm bảo tính minh bạch, vẹn toàn cũng như bảo mật thông tin.
Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MBBank chia sẻ: "MBBank hiện đã áp dụng công nghệ blockchain cho L/C và rất hiệu quả. Vì sao khách hàng nhỏ khó vay vốn? Vì vốn ngân hàng khó tin vào giao dịch nhỏ mà ngân hàng không nhìn thấy, không kiểm soát được. Nhưng nếu ngân hàng có dữ liệu giao dịch được minh bạch và an toàn nhờ công nghệ blockchain thì niềm tin sẽ tăng lên. Đây là dịch vụ các nước như Singapore và Trung Quốc đã triển khai", ông Thái cho hay.
Bên cạnh đó, hiện nay, hàng loạt các ngân hàng đã bắt tay cùng lực lượng lao động ảo - đưa robot RPA vào giải quyết đa dạng các quy trình nghiệp vụ tại nhiều phòng ban khác nhau.
Cụ thể, tại Ngân hàng HDBank, nhờ việc ứng dụng công nghệ RPA trên nền tảng akaBot (FPT Software) vào giải quyết các tác vụ lặp đi lặp lại, HDBank đã thu được những hiệu quả vượt trội: hạn chế các thao tác thủ công xuống còn 20%, cải thiện tốc độ xử lý lên gấp 30 lần, tiết kiệm thời gian (từ 3 phút xuống vài giây/ giao dịch) và nâng cao độ chính xác lên tới 100%.
Với định hướng ngân hàng tiên phong về công nghệ, TPBank đã gặt hái được nhiều "trái ngọt": tiết kiệm 60% thời gian giải ngân vay, 30 - 60% thời gian giao dịch tại quầy, trở thành ngân hàng ứng dụng mạnh mẽ nhất RPA, và tính đến nay đã có gần 300 robot quy trình được triển khai, giúp đơn vị tiết kiệm hàng trăm nhân sự, và mang đến trải nghiệm giao dịch không giới hạn cho khách hàng.
Không chỉ có vậy, trong cuộc chiến săn lợi nhuận, một số ngân hàng coi Big Data là nhiệm vụ chiến lược dài hơi để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro hiệu quả.
Các chuyên gia đánh giá, tiềm năng cho việc phân tích dữ liệu đã được nhìn nhận rộng rãi trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, theo đó, doanh thu từ Big Data và phân tích dữ liệu kinh doanh ở lĩnh vực này tăng từ 130 tỷ USD năm 2016, lên khoảng 203 tỷ USD năm 2020. Trong đó, lĩnh vực ngân hàng đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn nhất khi dành 17 tỷ USD cho các giải pháp về Big Data và phân tích dữ liệu.
Một ví dụ điển hình là VIB đã áp dụng thành công Big Data, cùng các công nghệ mới hiện đại như e-KYC, e-Signature trong quy trình phê duyệt và phát hành thẻ tín dụng. Đạt kỷ lục mới trên thị trường về thời gian xử lý và phê duyệt cho tới khi dùng thẻ trên phiên bản thẻ điện tử: chỉ 15-30 phút, bằng 1/500 thời gian trung bình trên thị trường.
Ở thời điểm hiện tại, công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) chiếm hơn 50% thị phần thị trường cho vay tín dụng tiêu dùng bùng nổ trong 5 năm qua tại Việt Nam. Mạng lưới phân phối này đã và đang mang lại con số kinh doanh ấn tượng với gần 250.000 khoản vay mới mỗi tháng. Sau hơn 10 năm, công ty này đã phục vụ hơn 14 triệu khách hàng với đội ngũ nhân viên với gần 17.000 người.
“FE Credit đã chi "mạnh tay" vào số hóa để xác định được điểm tín dụng đặc biệt dựa trên dữ liệu xã hội. Ví dụ việc chi trả hóa đơn nhà mạng để xếp hạng tín dụng, tiếp cận đến các cá nhân tài chính tiêu dùng. Để làm được 1 công ty tài chính tiêu dùng như FE Credit không hề dễ. Nhiều ngân hàng khác đã từng làm như HDBank, Seabank, MB nhưng thực sự để được như FE Credit thì chưa có”, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cho hay.
Ông Đào Trung Thành, chuyên gia chuyển đổi số Việt Nam, nhận định, các ngân hàng không chỉ cạnh tranh với nhau mà cạnh tranh với những "gã khổng lồ" về công nghệ như Amazon, Apple, Google, Alibaba, Tencent. Tốc độ - vì thế là một yếu tố cạnh tranh nền tảng trong thế giới biến chuyển nhanh chóng này. Ngân hàng phải nhanh chóng cung cấp những sản phẩm mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng và không ma sát.
"Do đó việc chuyển đổi thành một công ty công nghệ, cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng nhanh chóng, chiều lòng khách hàng..., là chìa khoá để bứt phá lên vị trí dẫn đầu, nhằm đáp ứng xu thế về dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, không rào cản, để giành lợi nhuận", ông Thành nhấn mạnh.