Giải pháp nào để huy động nguồn lực cho các gói hỗ trợ?
(DNTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, việc có gói hỗ trợ tiếp theo để khôi phục kinh tế là vô cùng cần thiết. Song, điều khiến các nhà hoạch định chính sách "đau đầu", bởi quy mô gói hỗ trợ thế nào, nguồn vốn ở đâu cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Hiện nay doanh nghiệp đang thiếu nguồn vốn trầm trọng, không còn khả năng thế chấp để có thể tiếp cận nguồn tín dụng. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề cần quan tâm hiện nay là doanh nghiệp đang "thiếu máu", cần được bơm máu sớm.
Về vấn đề này, theo TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn “bạo bệnh”. Thiếu các gói hỗ trợ như vậy, không loại trừ kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài, đánh mất nhiều lợi thế và cơ hội vươn tới các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Tuy nhiên, ông Phước nhấn mạnh: “Việc sử dụng nguồn lực khá quan trọng. Song, câu hỏi đầu tiên là làm sao có tiền mới thực hiện được gói hỗ trợ? Đây là câu hỏi vô cùng quan trọng, không có tiền đồng nghĩa với không thực thi được gói hỗ trợ”.
Để giải vấn đề trên, ông Phước cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét mua trái phiếu Chính phủ trực tiếp và gián tiếp. Chẳng hạn, trên thị trường sơ cấp, nhà điều hành có thể dùng tiền cung ứng hoặc tiền gửi của các ngân hàng, gồm tiền gửi dự trữ bắt buộc hay tiền gửi thanh toán để mua trái phiếu Chính phủ.
Cách này theo ông Phước, vừa là hành động hỗ trợ ngân sách, vừa nắm công cụ điều hành tiền tệ khi vừa có thể bơm tiền (mua trái phiếu Chính phủ) và hút tiền (bán trái phiếu Chính phủ) cho các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào khi lãi suất trái phiếu Chính phủ quanh mức 2,09% một năm với kỳ hạn 10 năm.
Để có nguồn thực hiện gói hỗ trợ tài khóa, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nêu quan điểm, có thể tính toán để giảm khoảng 0,5-1% lãi suất cho vay trong năm 2022, và duy trì ổn định trong 2023.
"Có thể sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở, cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp, để hỗ trợ các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất ở mức thấp", ông Lực nhận định và cho rằng, Chính phủ có thể dựa vào một số nguồn như nguồn tiết giảm chi phí chi thường xuyên; nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư tư nhân…
"Thể chế, thủ tục hành chính còn rất nhiều dư địa cải cách. Khơi thông, sử dụng những nguồn lực này sẽ tránh được lãng phí, người dân được lợi, nhà nước có khả năng thu được thuế", ông Cấn Văn Lực bình luận.
Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thị trường vốn nước ta mới chiếm hơn 1/3 vốn cung ứng cho nền kinh tế (so với mức bình quân 2/3 của các thị trường trong khu vực ASEAN). Chính vì vậy, thời gian tới, cần phát triển thị trường vốn theo chiều sâu, nhằm gia tăng vốn trung và dài hạn, phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, xây dựng thị trường vốn mạnh với cơ cấu hợp lý giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.
Bàn thêm về giải pháp tiền ở đâu cho gói kích thích kinh tế, các chuyên gia cũng cho rằng, "tiền trong dân vẫn còn nhiều". Dân ở đây được hiểu là doanh nghiệp, là các ngân hàng thương mại, các quỹ..., chứ không phải người dân.
Với xu hướng lãi suất quốc tế đang tăng dần, việc vay nợ nước ngoài chưa thật phù hợp thì nguồn tài chính chủ yếu là vay nợ trong nước.
Theo đó, để các giải pháp huy động nguồn vốn trong dân cư khả thi và đạt hiệu quả, ThS Vũ Trọng Nghĩa, Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia đề xuất các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển công nghệ để thu hút nhiều hơn nữa tiền gửi từ dân cư.
"Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng hiệu quả các công cụ chính trong việc điều hành chính sách tiền tệ để đạt mục đích của mình. Khi xác định mục đích rõ ràng là huy động vốn nhiều trong dân cư, cần đưa ra các điều chỉnh hợp lý, đặc biệt việc điều chỉnh lãi suất cơ bản vì đó là công cụ rất mạnh tác động trực tiếp đến lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng", ông Nghĩa cho hay.
Hơn nữa để thuyết phục người dân sẵn sàng mang vốn từ trong “két” ra để đầu tư, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), vừa đảm bảo an toàn về vốn, tài sản cho người dân (tư nhân), ưu tiên đảm bảo nhà nước sẽ sử dụng vốn của người dân có hiệu quả, tức là “vốn tạo lời”.
Trước câu hỏi "nguồn lực của Việt Nam có đủ cho gói chính sách?" thậm chí với quy mô tới 800.000 tỷ, đang được Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình các cơ quan chức năng chương trình khôi phục kinh tế, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn Thủ tướng trả lời rằng, "nói theo cách nào cũng có thể đủ". Nếu so với trần nợ công, nợ chính phủ, khả năng trả nợ của nền kinh tế, Việt Nam vẫn còn dư địa, nguồn lực để huy động. Nhưng nếu nói đến hiệu quả trả nợ như thế nào, phải quay về bài toán hiệu quả trả nợ từ trực tiếp của dự án công trình đầu tư và khả năng lan tỏa của chính sách.
Ông phân tích, bản chất là nhà nước đầu tư với tính chất không nhằm lợi nhuận, để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, nên đặt vấn đề theo hướng, phần hoàn vốn phải lấy từ lợi ích mà các doanh nghiệp khác được hưởng lợi từ dự án Chính phủ.
Lấy ví dụ một dự án PPP một tuyến đường cao tốc, ông Kiên cho biết, nếu chỉ trông chờ hoàn vốn từ thu phí con đường, nhà nước sẽ phải mất 15-20 năm. Nhưng nếu đặt vấn đề đây là dự án hỗ trợ, nhà nước cùng đầu tư, khi giao thông thuận tiện, tiền thuế sẽ tăng lên nhờ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hưởng lợi. Nhà nước có thể trích một phần thuế từ đó bù vào vốn bỏ ra ban đầu.
"Như vậy sau khi hết chu kỳ đầu tư dự án PPP, chúng ta vừa có con đường, vừa giúp cho doanh nghiệp, vừa thu hồi được vốn để tái đầu tư chỗ khác", ông Kiên nhận định.