Phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là nguyên tắc, cũng là nghệ thuật
(DNTO) - Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, trong triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, cần quán triệt nguyên tắc bám sát tình hình, tường minh, nếu cần điều chỉnh chính sách phải thông báo nhanh chóng với thị trường. Phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là nguyên tắc, cũng là nghệ thuật.
Theo TS Võ Trí Thành, việc thực hiện phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ hiện nay càng khó hơn trong bối cảnh nước ta cần có những chính sách rất đặc biệt, trong môi trường cũng rất đặc biệt.
Ông Thành dẫn chứng nguyên tắc muốn bắn bao nhiêu con thỏ thì phải có bấy nhiêu mũi tên. Tuy nhiên, "chúng ta vừa muốn hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ an sinh xã hội, nhưng lại vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế, việc phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ lại càng quan trọng, phải có thêm nhiều công cụ", ông Thành nói.
So sánh giữa dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, TS Võ Trí Thành nhận thấy, "dư địa chính sách tài khóa hiện nay tốt hơn rất nhiều khi xét trên các chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách, cũng như sự thuận lợi trong huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Song, dư địa của chính sách tiền tệ có nhiều giới hạn khi bị giới hạn bởi tỷ lệ nợ tín dụng/GDP, lạm phát vẫn là "bóng ma", nguy cơ tăng nợ xấu. Do vậy, trong thời gian tới nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa.
Trong thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, độ trễ trong của chính sách tài khóa đã được cải thiện phần nào. Nhưng, TS Võ Trí Thành cho rằng, sự đồng hành của Quốc hội nên thể hiện qua các kỳ họp bất thường, thay vì hai kỳ họp đầu và cuối năm thực hiện theo Luật Tổ chức Quốc hội. Việc tổ chức kỳ họp bất thường, theo ông Võ Trí Thành, có thể sẽ phải được Quốc hội thực hiện ít nhất trong 5 năm tới, do tình hình thế giới còn bất định, nhiều bất ổn và rủi ro hiện nay.
Do quá trình thực hiện phải tuân thủ quy trình, thủ tục được luật định nên việc chuẩn bị và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội phải rất nhanh. Nhưng, "đáng tiếc là Chương trình phục hồi tổng thể này được nghĩ đến từ cách đây một năm, song đến nay mới được đưa ra xem xét, quyết định", TS Võ Trí Thành nói.
Nhấn mạnh đặc điểm độ trễ trong và độ trễ ngoài khi triển khai thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ ở nước ta đều dài. Chính sách tài chính và ngân hàng đều mất từ 6 - 8 tháng mới có thể triển khai. Do vậy, TS Võ Trí Thành đề nghị, cần có khung pháp lý để hệ thống ngân hàng thương mại "có thể và dám làm việc hỗ trợ lãi suất". Tất nhiên, sự hỗ trợ lãi suất này phải trên cơ sở sự tường minh trách nhiệm giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Nhà nước. Bởi, thực tế triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 đến nay vẫn có ngân hàng thương mại chưa quyết toán được.
Chỉ rõ về độ nhạy của các thị trường, thu nhập và tiêu dùng của người dân mỗi khi chính sách mới được ban hành, TS Võ Trí Thành cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và theo dõi tình hình để nhanh chóng điều chỉnh chính sách. Các nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế nếu có thay đổi trong quá trình thực hiện cần cho phép được chuyển hóa. Quốc hội xây dựng khung để Chính phủ chuyển hóa nhanh trong quá trình thực hiện. “Bám sát tình hình, tường minh, rõ ràng, nếu cần điều chỉnh chính sách cũng thông báo nhanh chóng với thị trường”, TS Võ Trí Thành nêu rõ.
Thực tế cho thấy, các chính sách tài khóa, tiền tệ thường tác động đến tiêu dùng, đầu tư, lạm phát, sản lượng (GDP), tỷ giá, lãi suất, với mức độ khác nhau. Vì thế, bên cạnh sự giám sát thường xuyên và phối hợp trong triển khai chính sách, cần lưu ý đến phản ứng của thị trường tài chính, thể hiện qua biến động tỷ giá, lãi suất, lạm phát.
Phân tích trên bối cảnh hiện nay của Việt Nam, TS Võ Trí Thành lưu ý, điều chỉnh chính sách tài khóa tác động đến lạm phát không nhiều, song sẽ ảnh hưởng ngay đến lãi suất cho vay. Điều này cũng phù hợp với việc các quốc gia trên thế giới sẽ thu hẹp việc nới lỏng tiền tệ, gói hỗ trợ. Do vậy, để thu hút nguồn lực thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế (như cho các định chế tài chính mua trái phiếu), TS Võ Trí Thành tán thành với việc "có thể suy nghĩ nới các chỉ tiêu bội chi, nợ công".