Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: 'Sẽ nghiên cứu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp không có lãi'
(DNTO) - Kết thúc Diễn đàn Phát triển Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, sẽ nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhất là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp không có lãi, thậm chí là lỗ, khấu trừ chi phí đầu vào cao hơn thực tế...
Phát biểu bế mạc Diễn đàn "Phát triển Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, một ngày với đầy ắp thông tin không chỉ về vấn đề công tác phòng chống dịch bệnh, mà cả về tăng cường khôi phục phát triển kinh tế, cùng với các chính sách tiền tệ, tài khóa, thông qua chia sẻ từ các chuyên gia trong nước và nước ngoài, tới học giả, nhà nghiên cứu người hoạch định chính sách, và các cơ quan thực thi chính sách, cũng như là các đối tượng thụ hưởng chính sách theo chiều hướng mở, đa chiều và toàn diện.
"Diễn đàn đặc biệt dành nhiều thời gian và trọng tâm vào các chính sách tài khóa và tiền tệ, các chính sách an sinh xã hội, các vấn đề lao động trong tổng thể chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng, tới đây cơ quan chủ trì sẽ phối hợp với Ban kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để có báo cáo tổng thuật đầy đủ về toàn bộ diễn biến cũng như kết quả của diễn đàn; Tổ chức biên soạn in chính thức thức kỷ yếu của Diễn đàn để làm căn cứ để nghiên cứu chặt chẽ hơn cho các phiên họp tới đây cho Quốc hội cũng như các kỳ họp bất thường diễn ra cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm 2022.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, một trong những luận điểm mà tại Diễn đàn đã được nhấn mạnh, không phải là mới nhưng ít khi nêu là khủng hoảng kinh tế-xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính.
"Hiện nay, có một số nước tung ra các gói kích thích siêu nới lỏng về tài khóa, tiền tệ, một mặt là để đối phó với thiệt hại do dịch bệnh gây ra nhưng cũng để đề phòng, giảm thiểu tiêu cực của suy giảm kinh tế theo chu kỳ. Nhiều nước cũng đã tính đến khủng hoảng chu kỳ nhưng chưa đủ rõ hoặc do khủng hoảng về y tế mà lần này làm trầm trọng hơn, nhanh hơn khủng hoảng theo chu kỳ. Cái hay là chúng ta thống nhất không chỉ khắc phục hậu quả do y tế mà phải tính toán đến lâu dài, tức cơ cấu lại nền kinh tế. Đây là điểm tôi thấy tâm đắc qua diễn đàn”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cho rằng tác động của dịch covid-19 là bất ngờ chưa có tiền lệ và không lường trước được, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong bối cảnh đặc biệt, cần thiết phải có giải pháp đột phá, theo đó cần tập trung tăng tổng cung phối hợp hài hòa chính sách tài khóa tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
"Kinh nghiệm thế giới là tài khoá 65% tiền tệ 35%,với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình, mục tiêu cụ thể đảm bảo tính khả thi nhanh chóng và kịp thời, vừa đáp ứng được yêu cầu của người dân doanh nghiệp, hợp tác xã, những người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, hồi phục kinh tế, và tạo nền tảng cho giai đoạn mới", ông Huệ cho hay và nhấn mạnh, mất ổn định kinh tế vĩ mô là mất hết, chúng ta phải thấm thía điều này. Theo đó, giải pháp trước mắt phải gắn với lâu dài, cho nên phục hồi và phát triển bền vững là như vậy.
Về ý kiến của các đại biểu đánh giá cần thiết phải có chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế xã hội điều này cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tăng cường niềm tin của người dân doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế, nhất là với các cộng đồng doanh nghiệp trong vấn đề về thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế, đầu tư thương mại.
"Các chính sách tổng thể phục hồi giải quyết các vấn đề an sinh xã hội phải có các gói kích thích kinh tế lớn hơn đối với các ngành lĩnh vực có khả năng phát triển cao và tính giải hạn trong việc cải cách thể chế chế, với chỉ tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, đối với kết cấu hạ tầng, logistics, chuyển đổi số, các chính sách hỗ trợ cần xác định đúng đối tượng", ông Huệ nói.
Theo đó, về các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, cần tập trung vào các trụ cột sau:
Thứ nhất, cần bám sát định hướng của Đảng, nhà nước trong đó bảo đảm tính nhất quán, kiên trì tính vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, tập trung điều tiết tăng tổng cung và tổng cầu. Trong đó cung là hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp, hỗ trợ giảm thuế, hỗ trợ người sử dụng lao động; cầu là cầu thị trường kể cả là dịch vụ hàng hóa kích cầu đầu tư trong nước bao gồm cả đầu tư công.
Thứ ba, cần phối hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa tiền tệ và chính sách tài khoá để vực nền kinh tế. Cũng như các chính sách vĩ mô khác như chính sách thương mại...
Thứ tư, có quy mô đủ lớn các gói hỗ trợ đúng mục tiêu trọng tâm, trọng điểm nếu không đủ liều lượng thì sẽ không giải quyết được vấn đề cấp bách không tạo ra được sự thay đổi. Đạt được mức độ nào đó về lượng, mới đảm bảo về chất, phải được thiết kế khả thi, thực hiện nhanh và khả năng hấp thụ mạnh. Trong đó cải cách thể chế là gói hỗ trợ doanh nghiệp mong chờ không kém gì tiền tươi thóc thật.
Thời hạn triển khai chủ yếu trong hai năm 2022- 2023 bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách, độ trễ của chính sách, trong đó có thể chấp nhận một số thay đổi trong ngắn hạn như tăng bội chi, tăng trần nợ công, lạm phát không kiểm soát từng năm, nhưng trong cả một giai đoạn phải đảm bảo được chỉ số tài chính an toàn quốc gia.
Xác định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và phát triển hệ thống ngân hàng điều này rất quan trọng.
"Thống nhất kế hoạch vay trả nợ, cân nhắc tỷ lệ bội chi ngân sách cao hơn trong năm 2022- 2023 và sau đó sẽ phấn đấu đưa trở về trạng thái bình thường tổng các chỉ tiêu vĩ mô của các vấn đề này trong 5 năm giữ ở mức ổn định", Chủ tịch Huệ nói.
Đồng thời, tiếp tục cân nhắc giảm thêm một số loại thuế, triển khai các biện pháp giãn hoãn thuế phí. Ví dụ như giảm thuế VAT đối với kết hàng sản xuất trong nước, những loại có thuế suất 10% , giảm thế môi trường, thuế trước bạ...
Đặc biệt, sẽ nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhất là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp không có lãi, thậm chí là lỗ, khấu trừ chi phí đầu vào cao hơn thực tế...
Kết thúc vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã toát lên một số thông điệp, đó là chúng ta cần tự cường, có ý thức đứng trên đôi chân của mình, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần tự tin vào chính mình, vào dân tộc mình, vào khả năng biến nguy thành cơ, trong việc tìm kiếm cơ hội trong những khó khăn thách thức, đồng thời cần đồng hành cùng với nhau trong phục hồi và phát triển.
“Có thể khẳng định rằng, thông tin của diễn đàn với những giải pháp, kiến nghị rõ ràng, cụ thể sẽ là tư liệu hết sức quan trọng cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan xây dựng, hoàn thiện Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất các gói chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ cho phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển... Tôi tin rằng, sau cơn mưa trời lại sáng và sẽ rực rỡ hơn. Hãy biến Covid-19 thành cơ hội của chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.