Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đội ngũ doanh nghiệp 'chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo'
(DNTO) - "Bây giờ là lúc thử thách bản lĩnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hơn lúc nào hết. Chúng ta cần “thắng không kiêu, bại không nản” và “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, dù khó khăn đến đâu thì cũng là những khó khăn trước mắt và tạm thời", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Tại buổi gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam chiều 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vị trí vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là nói chung chung, mà đã được “hiến định” trong Hiến pháp và Văn kiện Đại hội Đảng.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với những khó khăn mà đội ngũ doanh nhân, các doanh nghiệp gặp phải do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; đánh giá cao tinh thần kiên cường của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong chống chịu dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
“Hơn lúc nào hết, giờ là lúc thử thách bản lĩnh của doanh nghiệp, doanh nhân. Chúng tôi rất mong doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam “thắng không kiêu, bại không nản”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, vững niềm tin vì nền tảng vĩ mô của nước ta còn rất tốt, tin rằng đó chỉ là những khó khăn trước mắt, tạm thời. Với truyền thống đoàn kết, kiên cường của dân tộc ta, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước ta sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, chúng ta cũng phải rà soát, nhìn nhận lại năng lực quản trị của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải mạnh hơn lên và nhận ra điểm yếu, điểm mạnh để có dự tính trong thời gian tới, mà điều này, mỗi doanh nghiệp sẽ tự biết mình hơn ai hết. Qua đây chúng ta thấy rằng, doanh nghiệp lớn thì chí phải lớn, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa, chí càng phải lớn mới có thể sánh vai với các doanh nghiệp lớn hơn.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng như các cấp, các ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp, doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ phát triển các mối quan hệ trong doanh nghiệp với các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước.
Về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, trong những năm vừa qua đã có sự cải thiện rõ rệt, các bảng xếp hạng về vị trí Việt Nam dần dần đã tăng lên và đều nằm ở biểu trên. Hệ thống pháp luật đã được cải thiện nhiều, tạo cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, thể hiện thực chất hơn về quyền tự do kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, thay đổi tư duy về con dấu, minh bạch...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin, Quốc hội cũng đang chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/11 năm nay. Tuần sau, Quốc hội cũng sẽ có phiên họp thứ ba để chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng này.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ lắng nghe các quyết sách lớn về kinh tế-xã hội trong đó có việc đánh giá tác động của Covid-19 tới việc làm, sinh kế người dân và tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
“Những vấn đề quan trọng đó rất cần tới tiếng nói, sự góp ý của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong thực tế, ở lần sửa các đạo luật quan trọng này, chúng ta đã lắng nghe rất nhiều ý kiến doanh nghiệp. Trong mọi quyết sách, Quốc hội luôn đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, Chính phủ đã liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập một ủy ban về tạo thuận lợi thương mại và logistics, trong đó có cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và cải cách rất mạnh mẽ về kiểm tra chuyên ngành.
Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, hậu đại dịch này, vấn đề rắc rối về pháp lý cũng rất phức tạp, như hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp, do tác động của dịch Covid-19... Đến lúc đó, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phải đối mặt và có cách thức vượt qua rủi ro, giải quyết các vướng mắc pháp lý như thế nào, cần hỗ trợ gì từ Nhà nước, hiệp hội...
Ông cho biết, sắp tới đây sẽ ban hành kết luận về định hướng pháp luật cho Quốc hội của 5 năm trong nhiệm kỳ khóa 15. Trước đây, luật ban hành văn bản, quy phạm pháp luật của chúng ta chỉ có Quốc hội lập nhiệm vụ này hàng năm, chứ không có khung khổ cho 5 năm. Khi tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai kết luận này sẽ mời các doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội tới tham dự và đóng góp ý kiến.