Doanh nghiệp mong muốn chính sách hỗ trợ phải được triển khai nhanh nhất
(DNTO) - Trong buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam, nhiều kiến nghị từ doanh nghiệp về những giải pháp gỡ khó cho hoạt động, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Không nên giới hạn ngành hỗ trợ
Kiến nghị trong buổi làm việc cùng Chủ tịch Quốc hội, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho biết, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và kéo dài, trong khi các địa phương thắt chặt các biện pháp chống dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông khiến nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, đẩy giá vốn tăng cao, hàng hóa tồn đọng không bán được. Nếu tình trạng này kéo dài, rất nhiều doanh nghiệp có thể không tồn tại được.
Chính vì vậy, ông Tiền kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng các địa phương tạo điều kiện để "đường thông hè thoáng", chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt, cần kiểm soát chi phí logistics, cảng biển để tránh đội gánh nặng lên doanh nghiệp. Khi có các vấn đề vượt thẩm quyền cần nhanh chóng trình Chính phủ để giải quyết, tháo gỡ kịp thời.
Đặc biệt, Chủ tịch Geleximco cũng kiến nghị cần rà soát lại các văn bản pháp luật đang chồng chéo, gây khó dễ cho doanh nghiệp.
"Các cơ chế chính sách phải công khai minh bạch phù hợp thông lệ quốc tế. Trong tình hình đặc biệt có giải pháp đặc biệt, có đột phá, khác biệt, phù hợp thực tiễn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh", ông Tiền nhấn mạnh.
Đồng quan điểm các chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai một cách nhanh nhất, đơn giản và tối giản nhất, đặc biệt là phải công bằng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods Group cho rằng, hiện hầu hết các chính sách hỗ trợ đều chỉ tập trung vào các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ. Trong khi đó, những doanh nghiệp có quy mô lớn cũng cần được hỗ trợ bởi đây là những doanh nghiệp có tính dẫn dắt trên thị trường.
“Với những ngành tiềm năng không nên giới hạn sự hỗ trợ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Kiến nghị xây dựng tiểu khu quy hoạch sản phẩm biển
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ hải sản Minh Phú nhận định, giá trị các sản phẩm nông nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long có thể tăng 20% giá trị hiện nay nếu có quy hoạch vùng phù hợp với điều kiện khí hậu tại đây. Trong đó, quy hoạch kinh tế thuỷ sản phải được tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng tỉnh và cũng như của vùng.
Đại diện Thủy sản Minh Phú đưa ra kiến nghị về quy hoạch 6 tiểu khu cho từng tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để liên kết cộng hưởng, tạo sức mạnh chung.
Thứ nhất, đề xuất xây dựng tiểu khu quy hoạch, gồm quy hoạch khu đô thị biển, cảng biển với khu công nghiệp chế biến cá và các sản phẩm biển…để người dân gắn bó với nghề khai thác biển.
Thứ hai, quy hoạch trồng phát triển rừng đước kết hợp nuôi tôm, cua, cá, trải dài từ Hà Tiên xuống Vũng Tàu.
Thứ ba, quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao đủ lớn, áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet vạn vật)..
Thứ tư, quy hoạch vùng nuôi tôm quản canh đủ lớn tạo vành đai an toàn sinh hoạt.
Thứ năm, quy hoạch khu chế biến tôm gắn và công nghệ phụ trợ gắn với các khu đô thị, đảm bảo không quá 5 giờ chạy xe để giảm chi phí và bảo đảm chất lượng tôm.
Thứ sáu, quy hoạch vùng tôm lúa tạo vành đai giúp tôm tránh mầm bệnh.
Cần chính sách vay vốn thông thoáng cho nông nghiệp
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods Group, cần cơ chế thoáng hơn cho doanh nghiệp hợp tác xã, nông dân có thể vay vốn tín dụng. Cụ thể, nên tiếp tục cấp vốn với doanh nghiệp đã hết hạn mức vay nhưng lại có kế hoạch kinh doanh tốt và có tiềm năng phát triển.
Ngoài ra ông Hùng cho rằng cần có những chính sách quan tâm, ưu tiên chuyển đổi số cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp vì nếu các doanh nghiệp trong ngành này ngày càng phát triển sẽ trở thành bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.
Đại diện của Thuỷ hải sản Minh Phú kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét lại chính sách sản phẩm nông nghiệp không chịu thuế VAT, tức thuế VAT bằng 0%.
“Sản phẩm nông nghiệp không được đối trừ thuế VAT đầu vào với thuế VAT đầu ra, như vậy, tưởng như được hỗ trợ nhưng lại không được hỗ trợ khấu trừ. Doanh nghiệp không được hoàn thuế VAT trong khi đầu vào vẫn phải chịu thuế VAT là bất hợp lý”, ông Quang nêu ý kiến.