Đại diện giới doanh nhân kiến nghị nhiều vấn đề lớn tới Chủ tịch Quốc hội
(DNTO) - Chiều 7/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm làm việc với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10.
100 đại biểu là doanh nhân tại điểm cầu Hà Nội và trên 300 đại biểu doanh nhân tại nhiều điểm cầu các chi nhánh, văn phòng đại diện VCCI trên cả nước cùng tham dự.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thông tin, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, với trên 800.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Sau 35 năm đổi mới, nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, xem xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước ta hiện còn khá nhỏ bé và hạn chế. Đặc biệt, trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 90.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh, bình quân một tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.
Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh về quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", nhanh chóng khôi phục sản xuất, VCCI đề xuất một số giải pháp có tính chất cấp bách, đột phá.
Trong đó, Chủ tịch VCCI cho rằng, các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi; nghiên cứu ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá.
Đồng thời, cần đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, có phân chia giai đoạn, phân chia nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp, tránh cào bằng và cần có tham vấn rộng rãi ý kiến cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần có phương án ổn định và phục hồi lại thị trường lao động. Các doanh nghiệp sẽ đối mặt với thách thức to lớn về lao động trong giai đoạn 6 tháng tới, vì vậy, cần có ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp thu hút và đào tạo lại lao động được thiết kế dễ tiếp cận, có quy mô và mức hỗ trợ phù hợp…
Đại diện giới doanh nhân trân trọng cảm ơn Quốc hội, nhất là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua đã làm việc khẩn trương, luôn lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và đã có nhiều quyết đáp đặc biệt, kịp thời hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp và người dân.
Cần cơ chế, chương trình đào tạo để vực dậy doanh nghiệp
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp Việt Nam trong từng lĩnh vực thời gian qua rất giỏi để vượt qua khó khăn do đại dịch, nhưng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng để hoạt động kinh doanh liên tục và phát triển bền vững thì chưa tới", bà Thanh nhận xét.
Để có thể hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chiến lược kinh doanh liên tục với quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng, đồng thời khắc phục khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, theo bà Thanh sẽ phải có những cơ chế, chương trình đào tạo để tinh thần doanh nhân và tư tưởng lãnh đạo của các doanh nhân Việt Nam phải mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại mới.
Cũng theo Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, trong nhận thức của cộng đồng doanh nhân nhận thức rõ, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra định hướng sống chung một cách an toàn, thích ứng, hiệu quả với Covid-19 như vậy cơ chế phải mở. Các quy định chống dịch, chính sách chống dịch của các địa phương hiện vẫn chưa đồng bộ đã gây khó cho các doanh nghiệp mở cửa một cách có hiệu lực.
Lấy ví dụ về việc 10 tỉnh mở đường bay nhưng miền Bắc Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng không mở thì có nghĩa cả miền Bắc vẫn chưa nối liền với miền Nam, bà Thanh cho rằng câu chuyện mở phải đi liền với giải pháp các địa phương cố gắng hỗ trợ, khắc phục. "Khắc phục thế nào thì Chính phủ nên có một cơ chế giám sát cơ chế đồng bộ để doanh nghiệp có thể tái khởi động trong sự đứt gãy cả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và giờ là đứt gãy nguồn lao động", bà Thanh nói.
Cần áp dụng Luật thống nhất giữa các địa phương
Trong khuôn khổ chương trình, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý và vận hành cảng quốc tế Long An kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific, đã thay mặt Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam báo cáo về phong trào doanh nhân trẻ thời gian qua, đặc biệt trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Bà Huệ cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong đứt gãy chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nhân trẻ Việt Nam với 10.000 hội viên phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tham gia tích cực vào công tác chống dịch như chuỗi các hoạt động ATM…
Để hỗ trợ cho sự hồi phục của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại, đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất.
Thứ nhất, về Luật BHXH sửa đổi, lĩnh vực bảo hiểm gồm bảo hiểm tài sản doanh nghiệp và bảo hiểm con người. Bà Huệ cho biết, doanh nghiệp hiểu rằng bảo hiểm là “cái phao” cho doanh nghiệp khi có tình huống khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp “níu” vào để phục hồi sản xuất.
“Tuy nhiên trong thực tế còn nhiều bất cập khi vận dụng. Khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp đôi khi vừa áp dụng luật, đôi khi vừa áp dụng "lệ" từ các thông lệ quốc tế, dẫn tới không rõ ràng trong các quy định về luật tài sản. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi áp dụng và tiếp cận chính sách bảo hiểm”, bà Huệ nhấn mạnh.
Thứ hai, về bảo hiểm con người, trong đó có BHXH, doanh nghiệp đề xuất Quốc hội xem xét giảm các khoản thu, phí liên quan chính sách BHXH. Hiện, ngoài quy định 2% quỹ công đoàn, doanh nghiệp đang phải đóng 32% trên thu nhập của người lao động cho BHXH. Theo bà Huệ, đây là gánh nặng cho doanh nghiệp và người lao động.
Thứ ba, đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị về Luật Đầu tư. Mặc dù đổi mới sáng tạo đang được chú trọng, nhưng Luật Đầu tư vẫn chưa đo lường được lĩnh vực này.
Thứ tư, về Luật Đất đai, theo kinh nghiệm của doanh nghiệp khi đầu tư về địa phương doanh nghiệp được lựa chọn đóng tiền thuê đất với nhà nước. Nhưng về địa phương có tính cảm tính, có địa phương yêu cầu đóng 1 lần 50 năm, có địa phương yêu cầu đóng hàng năm. Việc này tạo nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, Luật có sự hiểu áp dụng quy định khác nhau giữa các địa phương khiến doanh nghiệp gặp trở ngại.
Hoan nghênh sự ra đời của Viện Nghiên cứu Luật pháp sẽ mang luật gần hơn với đời sống sản xuất kinh doanh, bà Huệ cho biết thực tế việc áp dụng các văn bản Luật vào thực tiễn sản xuất còn nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau giữa các địa phương...