80% hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân bị phá vỡ
(DNTO) - Thông tin này được ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương đưa ra trong Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngày 5/10.
Rủi ro đang nghiêng về nông dân
Trao đổi về những giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện dịch đã xảy ra 2 năm nên không còn là yếu tố bất ngờ. Vì vậy, để đảm bảo dòng lưu thông cho nông sản, phải điều chỉnh quy mô sản xuất công nghiệp, tăng cường đầu tư chế biến tại các địa phương có vùng nông sản.
Đặc biệt, trong thời gian tới, theo ông Đông, bài toán sản xuất, liên kết sản xuất, lưu thông phải tính tới. Tránh tình trạng người nông dân sản xuất tự phát. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp, định hướng người nông dân sản xuất là rất quan trọng.
“Qua nghiên cứu, thống kê của chúng tôi, tỉ lệ sản xuất theo hợp đồng rất thấp, và việc phá vỡ hợp đồng chiếm tỉ lệ rất cao, lên đến 80-90%. Do vậy trong đàm phán hợp đồng, phải có điều khoản liên quan đến những tình huống bất khả kháng do dịch bệnh xảy ra, lúc đó vai trò của hợp tác xã là giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro, thiệt hại, và doanh nghiệp phải hỗ trợ người nông dân trong việc cam kết thu mua, bình ổn giá”, ông Đông cho hay.
Theo vị này, hiện nay trong chuỗi cung ứng nông sản, người nông dân đang chịu thiệt thòi nhất, từ khâu đàm phán hợp đồng đến khâu phân chia rủi ro. Vì vậy để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản vận hành ổn định, cần kéo các ngân hàng, tổ chức tài chính tham gia vào bảo hiểm rủi ro. Sự liên kết giữa ngân hàng, hợp tác xã, doanh nghiệp bán lẻ, người nông dân sẽ tạo nên tổng thể khép kín về tiêu thụ nông sản.
Chợ đầu mối nông sản sẽ áp dụng truy xuất nguồn gốc
Cũng theo đại diện Vụ thị trường trong nước, vấn đề đảm bảo lưu thông đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ nông sản. Bên cạnh việc gỡ khó cho hoạt động vận tải, cần từng bước mở lại chợ đầu mối, chợ truyền thống bởi đây là kênh tiêu thụ nông sản quan trọng. Bởi hệ thống phân phối hiện tại, kể cả thương mại điện tử không thể có khả năng cung ứng nông sản như chợ truyền thống.
Ông Trần Duy Đông cho biết, hiện lượng tiêu thụ nông sản qua các chợ đầu mối chiếm tới 70-80% tổng lượng tiêu thụ nông sản của cả nước. Không chỉ tại Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới, chợ đầu mối nông sản hay các trung tâm cung ứng nông sản đóng vai trò rất quan trọng vì thói quen tiêu dùng, giao dịch của người dân chủ yếu vẫn thông qua chợ truyền thống. Vì vậy, việc tiếp tục duy trì và phát triển các chợ đầu mối nông sản tiếp tục được Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm.
“Trong đề án đổi mới phương thức kinh doanh nông sản và sắp tới là việc chỉnh sửa Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về quản lý phát triển chợ, chúng tôi cũng đặt vai trò của chợ đầu mối nông sản lên rất cao. Đồng thời, việc phát triển, quản lý chợ nông sản Việt Nam sẽ theo hướng văn minh, hiện đại hơn, áp dụng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm quy định sẽ có bộ tiêu chí phân hạng các chợ đầu mối. Thậm chí người kinh doanh trong chợ cũng phải có trình độ nhất định, có cả tiêu chí đấu giá nông sản”, ông Đông thông tin.