Phối hợp 'chia lửa' gỡ khó cho ngành nông sản trọng điểm trong điều kiện dịch Covid-19
(DNTO) - Hiện nay, tình hình sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là trong khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm nông sản, đảm bảo cung ứng đủ cho tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 và một phần cho xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Sáng nay, 13/9, báo cáo tại Hội nghị Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nhìn chung sản xuất nông nghiệp 8 tháng đầu năm 2021 cơ bản chủ động được nhu cầu lương thực, thực phẩm hiện tại của người dân các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ đối với một số ngành hàng nông nghiệp trọng điểm. Cụ thể:
Đối với ngành trồng trọt, tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn nhiều khó khăn như tồn đọng lúa gạo do các doanh nghiệp khó khăn trong chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ, dẫn đến tiêu thụ chậm, giá lúa giảm. Một số vùng thương lái ngừng thu mua do không tiếp cận được vùng sản xuất, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, các thị trường khác thiếu tàu vận chuyển, container... dẫn đến giá trái cây thấp, một số nơi có tình trạng thừa ế không tiêu thụ được.
Bên cạnh đó, người dân không mặn mà sản xuất các vụ tiếp theo hoặc không đủ tiền đầu tư cho tái sản xuất dẫn đến kế hoạch sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 không đảm bảo, rất có thể dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm nếu không có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp.
Đối với ngành chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y ngày một tăng cao. Mức độ tiêu thụ thực phẩm giảm mạnh từ 30 - 40%, có loại giảm tới 70% như gà công nghiệp. Trang trại và hộ chăn nuôi hạn chế tái đàn vì giá tiêu thụ sản phẩm thấp, giá đầu vào tăng, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nước về thực phẩm vào các tháng cuối năm.
Đối với ngành thủy sản, chỉ có 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản phía Nam hoạt động với công suất trung bình giảm còn 30-35%; nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20-30%.
Đối với ngành chế biến gỗ, theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến thời điểm này đã có hơn 50% doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương) phải ngừng và giảm sản xuất do giãn cách, thiếu hụt lao động, chi phí sản xuất tăng (chi phí xét nghiệm vaccine, logistics, duy trì “3 tại chỗ”).
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã đưa ra một loạt kiến nghị, trong đó kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Cụ thể, về sản xuất nông nghiệp: Lên kịch bản sản xuất, tiêu thụ nhằm đảm bảo tăng trưởng ổn định, điều tiết được cung cầu hàng hóa nông sản phục vụ tại chỗ và cung cấp cho các tỉnh thành trong mọi tình huống. Đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho 100% nhân sự hoạt động trong thu hái, đóng gói, cơ sở chế biến nông sản.
Về lưu thông: Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho lực lượng dịch vụ vận chuyển nông sản theo luồng xanh và người lao động trong các cơ sở sản xuất, nhà máy sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm thiết yếu,... được tiếp cận và tiêm vaccine để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn giản hóa các thủ tục để hàng hóa nông sản được lưu thông thuận lợi trên địa bàn.
Về tiêu thụ nông sản: Tích cực thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030”. Quy hoạch và thu hút đầu tư để xây dựng các trung tâm logistics nông sản, kho lạnh nhằm phân loại, bảo quản, sơ chế, nâng cao giá trị và giữ được chất lượng nông sản, thủy sản, trái cây tươi trước khi tiêu thụ, xuất khẩu.
Về xuất khẩu nông sản: Các địa phương biên giới có cửa khẩu đất liền chủ động phối hợp với các bộ, ngành, hướng dẫn địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về kho bãi, bảo quản hàng hóa nông sản, dịch vụ vận tải, hậu cần thương mại tại cửa khẩu, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản xuất khẩu.
Chủ động cập nhật kịp thời với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng về tình hình hoạt động biên mậu, chính sách thương mại nông sản áp dụng của các địa phương biên giới của Trung Quốc. Phối hợp thông tin kịp thời cho các địa phương có vùng trồng, giảm tải phân luồng tránh ùn tắc xe vận chuyển nông sản. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo thông quan xuất khẩu nông sản trong mọi tình huống.