Có thể xem xét tăng nợ công và bội chi ngân sách để phục hồi kinh tế
(DNTO) - Chính sách tài khóa, tiền tệ có thể xem xét việc tăng bội chi ngân sách, nới nợ công và tiết kiệm chi thường xuyên. Đồng thời cần tạo thêm nguồn lực từ việc cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp... để phục hồi kinh tế.
Có thể xem xét việc tăng bội chi ngân sách, nới nợ công và tiết kiệm chi thường xuyên
Tại phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, diễn ra ngày 5/12, nhiều ý kiến đặt vấn đề về khả năng hấp thụ của nền kinh tế khi tung ra các gói hỗ trợ phục hồi. Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết, do khủng hoảng kinh tế - xã hội xuất phát từ đại dịch Covid-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, nên các giải pháp chuyên môn về y tế mang tính chất quyết định và chủ yếu. Chính sách tài khóa đóng vai trò lớn hơn, phối hợp với chính sách tiền tệ nhằm tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn nhất cho nền kinh tế.
“Trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận chi ngân sách nhà nước cao hơn, nợ công tăng trong giai đoạn 2021 – 2023”, ông Cường nêu giải pháp. Tuy nhiên theo ông Cường, về dài hạn, khi nền kinh tế dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa giảm dần, Việt Nam cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu, siết chặt kỷ cương chính sách tài khóa.
Đối với các gói hỗ trợ phục hồi của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường đề nghị, cần ưu tiên các giải pháp ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tăng cường hợp tác quốc tế về y tế và phục hồi kinh tế.
“Điều quan trọng nhất là Việt Nam có dư địa áp dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ thì liệu Việt Nam có còn dư địa thời gian để thực hiện các biện pháp ngắn hạn”, ông Nguyễn Minh Cường đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, có thể xem xét tăng nợ công và bội chi ngân sách.
Theo ông Thành, không thể phủ nhận rằng nền kinh tế đang đứng trước những rủi ro và cú sốc khó lường. Trong bối cảnh như vậy rất cần những chính sách hỗ trợ đúng, trúng, bảo đảm an sinh xã hội, tạo dựng niềm tin cho người dân và doanh nghiệp đứng vững trước tác động của đại dịch.
Về phía chính sách tài khóa, tiền tệ có thể xem xét việc tăng bội chi ngân sách, nới nợ công và tiết kiệm chi thường xuyên. Đồng thời cần tạo thêm nguồn lực từ việc cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế phải có quy mô đủ lớn, tính bao phủ toàn diện trong khoảng thời gian ít nhất là 2 năm để phát huy được hết hiệu quả của chính sách.
Thêm vào đó, ông Thành cho rằng cũng cần có sự hỗ trợ, khích lệ đối với một số ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin…
Chính sách thuế tốt là công cụ bảo vệ doanh nghiệp, người dân và phục hồi kinh tế
Cũng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) Jacques Morisset nhận định, 2021 là năm rất khó khăn với Việt Nam. Trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5 - 5,5%, Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 2 - 2,5%.
Để đạt được sự bứt phá về tăng trưởng, ông Jacques Morisset cho rằng, chính sách thuế tốt không chỉ bảo đảm nguồn lực cho ngân sách nhà nước mà còn có thể là một trong những công cụ giúp bảo vệ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và phục hồi kinh tế trong khủng hoảng, đạt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Kinh tế trưởng WB cũng cho biết, trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng chính sách thuế để tăng thu ngân sách nhà nước, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong khủng hoảng, cải thiện công bằng xã hội, đầu tư cho y tế, bảo vệ sức khoẻ của người dân và phát triển xanh. Trong khi đó, thời gian qua Việt Nam mới chủ yếu sử dụng chính sách tiền tệ và còn nhiều dư địa để sử dụng chính sách tài khóa cho phục hồi kinh tế.
Bối cảnh mới đòi hỏi cần có giải pháp mới. Phục hồi sau khủng hoảng là ưu tiên hàng đầu hiện nay, vì vậy, cần hành động nhanh để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Khẳng định điều này, song ông Jacques Morisset cũng lưu ý, "không được bỏ quên mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam". Trong đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhấn mạnh các ngành có giá trị gia tăng cao, phát triển bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Theo dự báo của Kinh tế trưởng WB, thì "một thỏa thuận thuế toàn cầu là không xa trong tương lai". Các ưu đãi thuế như miễn giảm thuế không còn hiệu quả vì tất cả các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải trả mức thuế tối thiểu là 15% tại quốc gia cư trú.
Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, Kinh tế trưởng WB cho rằng, cần thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận (miễn, giảm thuế suất) đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung, như chi phí vốn, chi phí lao động, chi phí lãi. Tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ; tăng cường các quy định chống chuyển dịch lợi nhuận; áp dụng hoặc tăng cường đánh thuế đối với nền kinh tế kỹ thuật số; giảm danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện miễn thuế giá trị gia tăng hoặc hưởng thuế suất 5%; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và áp thuế carbon; ban hành thuế tài sản…