6 'ông lớn' xả kho dầu chiến lược, giá dầu thô toàn cầu liệu có giảm?
(DNTO) - Giá dầu thô có thể tiếp tục tăng cao hơn ngay cả khi Mỹ và các quốc gia tiêu thụ dầu chính khác xả hàng chục triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược nhằm làm giảm giá năng lượng, theo một nhà phân tích.
“Thực ra việc xả kho dự trữ chiến lược không thể đơn giản giải quyết vấn đề, vì kho này không phải để gây ảnh hưởng đến giá cả”, theo Stephen Schork, biên tập viên của Schork Report nói với CNBC.
Theo Stephen Schork, dự trữ dầu thô chiến lược chỉ tồn tại để bù đắp thiếu hụt trong ngắn hạn và đứt gãy nguồn cung.
“Trên thị trường đã có nhiều sự đặt cược vào mức giá 100 USD/thùng. Điều này có thể diễn ra sớm nhất vào quý 1 sang năm, đặc biệt là nếu như có mùa đông lạnh tại bán cầu nam”, Stephen Schork nhận định.
Cố gắng ổn định giá dầu
Tổng thống Joe Biden hiện đang đối mặt với rủi ro chính trị do giá gas và các hàng tiêu dùng khác tăng cao, khi sự phục hồi kinh tế đang diễn ra sau đại dịch. Điều này là sự đe dọa đối với chính Joe Biden và Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử quốc hội Mỹ vào năm sau.
Giá dầu thô đã tăng vọt hơn 50% trong năm nay, với nhu cầu vượt xa nguồn cung khi ngày càng có nhiều quốc gia hơn khởi động trở lại sau phong tỏa kể từ năm ngoái do đại dịch Covid-19. Ngoài ra, việc di chuyển trên toàn cầu và các nước tái mở lại biên giới cũng làm tăng nhu cầu nhiên liệu máy bay.
Giá dầu tiêu chuẩn Brent toàn cầu đã vượt ngưỡng tâm lý 80 USD/thùng trong tháng 10, và giá dầu Brent hiện tại đang neo quanh mức này. Chiều 24/11 (giờ châu Á), giá hợp đồng mua dầu Brent đứng ở gần 82,5 USD /thùng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/11, công bố Mỹ sẽ xả 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược và cũng là sự cố gắng trên bình diện toàn cầu của các quốc gia tiêu thụ dầu thô, nhằm làm chậm lại đà tăng giá nhiên liệu. Trong số này, 32 triệu thùng sẽ được tung ra trong vài tháng tới, và 18 triệu thùng đã được phê duyệt bán trước đó.
Một số quốc gia khác cũng thực hiện thỏa thuận xả kho dự trữ cùng Mỹ bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.
Đến nay Anh đã đồng ý nhả 1,5 triệu thùng, trong khi Ấn Độ cam kết 5 triệu thùng. Hiện còn Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chưa công bố số lượng dầu cần xả từ kho của mình.
“Chúng ta sẽ có 50 triệu thùng từ Mỹ, và khả năng có thêm 50 triệu thùng từ các đối tác khác. Tổng là 100 triệu thùng, tương đương với nhu cầu dầu thô 1 ngày của thế giới”, Schork nói.
Vivek Dhar, nhà phân tích năng lượng và khai thác tại ngân hàng Commonwealth Bank thì bảo thủ hơn về số lượng dầu thô được xả từ kho. Ông dự đoán rằng số thùng dầu thô được xả ra bởi 6 quốc gia tiêu thụ dầu thô sẽ chỉ vào khoảng 70 triệu thùng. Và việc xả kho từ các quốc gia khác cũng sẽ không được nhiều.
Thế giới hiện tiêu thụ 97,53 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay, tăng so với mức 92,42 triệu thùng trong năm 2020, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ EIA. Mức tiêu thụ toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên 100,88 triệu thùng/ngày.
“Đó là dấu hiệu rõ ràng về sự tuyệt vọng và quan điểm đây là chìa khóa vạn năng, tuy nhiên nó sẽ không giải quyết gì cả (về việc xả kho dự trữ). Tôi tin tưởng rằng Mỹ sẽ không giải quyết được vấn đề, thay vì giá dầu thô giảm, thì sẽ tăng sau một tháng từ thời điểm này”, Schork nói.
Với các điều kiện như vậy, các hoạt động được cho là đối đầu giữa các bên có thể dẫn đến tăng biến động giá dầu thô và tăng sự bất định trên thị trường. Thay vào đó, Mỹ nên cân nhắc kêu gọi các hãng khai thác dầu Mỹ tăng sản lượng để bù đắp vào sự bất cân bằng cung cầu, Schork nói thêm.
Theo quan điểm của Dhar thuộc Commonwealth Bank, việc dầu thô tăng giá vào hôm 23/11, là chỉ dấu cho thấy “thị trường đang ngập với việc xả kho dự trữ chiến lược một cách có hệ thống”.
OPEC+ sẽ phản ứng ra sao?
Phản ứng của Mỹ và 5 quốc gia tiêu thụ dầu đến sau khi nhóm OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh quyết định không bơm thêm dầu vào thị trường, cho dù giá dầu đã tăng cao nhất trong nhiều năm, và Mỹ cũng gây sức ép để làm hạ nhiệt thị trường.
Với kế hoạch hiện tại, nhóm OPEC+ sẽ dần tăng thêm sản lượng 400.000 thùng mỗi tháng. Tháng tới OPEC+ sẽ tiến hành nhóm họp.
Theo quan điểm của các nhà phân tích thuộc Eurasia Group công bố ngày 22/11: “OPEC+ có vẻ như sẽ không cân nhắc việc thay đổi kế hoạch về nguồn cung”. Việc bơm một số lượng dầu lớn ra trước cuộc họp của OPEC+ có thể dẫn đến động thái có hành động phản ứng của nhóm này.
Các quan chức thuộc nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và liên minh (OPEC+) cảnh báo rằng họ sẽ có phản ứng với kế hoạch xả dầu từ kho dự trữ chiến lược của các nước tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới. Như vậy nhiều khả năng sẽ có một cuộc chiến giành kiểm soát thị trường năng lượng toàn cầu.
Phái đoàn OPEC+ cho biết việc xả ra hàng triệu thùng dầu từ dự trữ của các khách hàng lớn nhất của họ hoàn toàn không hợp lý trong bối cảnh thị trường hiện tại, nhóm này sẽ có thể cân nhắc lại việc sẽ tăng cường sản lượng dầu trong cuộc họp vào tuần tới.
Trưởng bộ phận kinh doanh hàng hóa tại RBC Capital Markets LLC, ông Helima Croft, nhận xét: “Động thái mới nhất sẽ làm tăng khả năng có cuộc chiến đối đầu về dầu mỏ và tạo ra thêm nhiều căng thẳng mới trong mối quan hệ hai chiều giữa Washington và Riyadh”.
Nhóm OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 1/12 tới để bàn về chính sách của nhóm.