Quỹ bình ổn giá xăng dầu hết quý 3 còn hơn 824 tỷ đồng
(DNTO) - Thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, ngày 18/11, Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Qũy BOG) đến hết quý 3/2021 là 824,088 tỷ đồng.
Theo đó, Quỹ BOG trong quý 3/2021 (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/9/2021), tổng số trích là 502,284 tỷ đồng, tổng số sử dụng là 802,947 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý 3 là 1,844 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong quý 3 là 14 triệu đồng.
Trước đó, số dư Quỹ BOG đến hết quý 2/2021, đến hết ngày 30/6 là 1.122,920 tỷ đồng; số dư Quỹ BOG đến hết quý 1/2021 đến hết ngày 31/3 là 5.340,068 tỷ đồng, và số dư tại thời điểm 31/12/2020 là 9.234,614 tỷ đồng.
Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất vào ngày 10/11, giá xăng E5RON92 tăng 559 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 658 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa giữ nguyên, dầu mazut 180CST 3.5S giảm 389 đồng/kg. Giá các mặt hàng xăng trong nước đã có lần tăng thứ năm liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Có thể thấy thời gian qua, việc hỗ trợ giá xăng dầu từ Quỹ Bình ổn đã làm cho tốc độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn 8% so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thế giới.
Tuy nhiên, nguồn Quỹ không phải là vô hạn và khi công cụ bình ổn tỏ ra kém hiệu quả, cần có ngay giải pháp hỗ trợ về giá xăng dầu cho các doanh nghiệp ngành vận tải, khai thác… bằng cách giúp họ có thể tiếp cận nguồn vốn vay để có thể quay vòng hoạt động kinh doanh, đặc biệt đối với những doanh nghiệp ở những địa bàn bị thiệt hại lớn do dịch vừa qua.
Nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa cho những tháng cuối năm 2021, Liên Bộ Tài chính- Bộ Công Thương đã có công văn tới các đầu mối kinh doanh xăng dầu, đề nghị chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa các loại xăng dầu doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần có phương án về nguồn hàng xăng dầu, từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.