Doanh nghiệp ‘méo mặt’ vì giá xăng dầu liên tục leo thang
(DNTO) - Các doanh nghiệp đang bước vào thời kỳ phục hồi sản xuất, tuy nhiên, giá xăng dầu liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay tiếp tục gây áp lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
“Tôi sợ nhất mỗi lần nhìn vào bảng báo giá của doanh nghiệp vận chuyển, mỗi lần công bố giá mới lại tăng. Chúng tôi xác định những tháng đó không có lợi nhuận, thậm chí lỗ vốn nhưng vì mục tiêu lâu dài phải chấp nhận”, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Tiến Đạt cho biết chuỗi cung ứng gỗ từ châu Âu, châu Mỹ về Việt Nam và phân phối nội địa của doanh nghiệp này đã bị ảnh hưởng rất lớn do việc tăng giá cước của các đơn vị vận chuyển trong đại dịch.
Trong khi đó, với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, ông Tuyên cho biết không bao giờ họ muốn lợi dụng việc tăng giá vận chuyển để tăng giá sản phẩm cho khách hàng, vì đó là điều cấm kỵ. Vì nếu muốn có khách hàng trung thành thì doanh nghiệp phải hy sinh, bởi khách hàng luôn muốn giá cả ổn định, không muốn mỗi lúc mua hàng giá cả lại khác.
“Trong thời gian giá cước tăng cao, chúng tôi đã phải nhiều lần gọi điện cho đơn vị chuyển phát để làm việc, tìm phương án giảm chi phí vận chuyển. Có thời điểm chúng tôi không dám nhập hàng vì chi phí vận chuyển quốc tế quá cao. Hiện giờ doanh nghiệp chỉ mong giá vận chuyển, xăng dầu ổn định vì doanh nghiệp khỏe hay yếu cũng phải mất ít nhất 2 năm nữa mới có thể quay trở lại trạng thái bình thường”, ông Tuyên cho hay.
Ở góc độ các doanh nghiệp vận tải, bà Võ Phương Lan, đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng gặp áp lực tăng giá xăng dầu từ đại dịch, cùng với chi phí trả lương làm tăng ca cho nhân lực, các chi phí xét nghiệm... tăng cao trong đại dịch.
“Không phải cứ 15 ngày điều chỉnh giá xăng dầu thì đơn vị vận chuyển lại tăng giá, chúng tôi cũng không thể. Ở đây nhà vận tải, logistics, nhà sản xuất và thương mại đều phải chia sẻ với nhau, vì người dân cũng khó khăn vì đại dịch nên không thể bán một món hàng mà chi phí vận tải, xăng dầu đánh vào giá thành sản phẩm”, bà Lan nói.
Việc thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại một số khu vực trong khi thế giới đang dần mở cửa trở lại đã khiến giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng rất mạnh trong thời gian qua, từ 45%-48%, và thị trường giá xăng dầu Việt Nam không ngoại lệ.
Theo dữ liệu từ Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã trải qua 21 lần điều chỉnh, đa phần các kỳ điều chỉnh đều xu hướng tăng giá. So với kỳ điều chỉnh ngày 11/1, giá xăng RON92 hiện chạm ngưỡng 23.669 đồng/lít (tăng 7.721 nghìn đồng/lít), xăng RON95 là 24.996 đồng/lít (tăng 8.066 đồng/lít), dầu diesel 18.716 đồng/lít (tăng 6.069 đồng/lít), dầu hỏa 17.637 đồng/lít (tăng 6.079 đồng/lít) và dầu mazut là 16.821 đồng/lít (tăng 4.549 đồng/lít).
Trong khi đó, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất và các hoạt động vận tải. Việc giá xăng dầu tăng cao sẽ có ảnh hưởng nhất định đến giá cả của một số hàng hoá và mặt bằng giá cả trong nền kinh tế, nguy cơ dẫn đến lạm phát.
Để hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, Bộ Công thương cho biết sẽ duy trì công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới khi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng. Cụ thể, Quỹ BOG sẽ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
“Do việc sử dụng công cụ Quỹ BOG nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới. Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%”, Bộ Công thương cho hay.
Tuy nhiên, việc chi quỹ BOG liên tục và ở mức cao đã đến dư địa của quỹ hiện không còn nhiều. Hiện có 14 đầu mối xăng dầu bị âm quỹ; trong đó, có 2 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) hiện đang âm quỹ tới hàng ngàn tỷ đồng.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng nghiên cứu các biện pháp hợp lý để điều hành giá xăng dầu; đồng thời có những gói hỗ trợ tài chính để bù đắp việc chi phí nguyên nhiên liệu tăng cao cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sản xuất hậu Covid- 19.
Hiện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đã có công văn yêu cầu các đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn hàng, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh. Đối với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Vụ này cho biết đã chỉ đạo nhà máy lọc dầu sớm khắc phục sự cố để ổn định sản xuất, có phương án đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường.
“Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có”, Bộ Công thương cho biết .