Đồng bộ nhiều chính sách an sinh xã hội chưa từng có trong tiền lệ hỗ trợ người lao động
(DNTO) - Để bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế, nhiều chính sách an sinh xã hội chưa có tiền lệ đã được ban hành để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch, đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích.
Đề xuất gói an sinh xã hội 58.000 tỷ đồng
Ông Lưu Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng, đại dịch làm cho người dân phải “rời bỏ” bảo hiểm xã hội gia tăng, giảm 2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội.
Trong đại dịch, một bộ phân dân cư không còn khả năng chi trả chi phí lương thực, nhà ở nên đã tự phát di chuyển về quê. Gây ra nguy cơ mất cân đối cung cầu lao động.
"Đại dịch làm cho tốc độ giảm nghèo chậm lại, đến năm 2021 tỉ lệ hộ nghèo chỉ giảm 0,5%, trong khi trước đây tỉ lệ này là 1,5-2%. Bên cạnh đó làm tăng tính dễ bị tổn thương đối với những nhóm xã hội đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo ở đô thị. Nguy cơ gia tăng tình trạng phụ nữ và trẻ em bị bao lực, mua bán, cưỡng ép, lạm dụng”, ông Tuấn thông tin.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành chính sách để hỗ trợ người dân trong bối cảnh đại dịch thông qua Nghị quyết 42, Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 Chính phủ xuất cấp hơn 136.000 tấn gạo hỗ trợ cho hơn 9 triệu nhân khẩu ở 30 tỉnh. Bộ Tài chính đã có quyết định xuất cấp gần 59.000 tấn gạo cho 3,9 triệu nhân khẩu ở các địa phương...
"Tuy vậy, phạm vi bao phủ của hệ thống an sinh xã hội hiện hành còn hạn chế", ông Tuấn nhận định và cho rằng, để khắc phục những hạn chế trên, cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có tính tích hợp các chế độ xã hội bằng ngân sách Nhà nước để mở rộng phạm vi bao phủ, đảm bảo xác định đúng đối tượng. Đồng thời, rà soát các chính sách liên quan đến lao động phi chính thức và di cư để thu hút nhóm lao động tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.
Đặc biệt, theo nhóm chuyên gia của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, việc củng cố hệ thống an sinh xã hội với mục tiêu chính là hỗ trợ những nhóm dân cư, người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất do dịch bệnh. Do đó, cần gói củng cố an sinh xã hội chưa có tiền lệ với khoảng 58.000 tỷ đồng. Căn cứ của đề xuất này dựa trên Nghị quyết số 42, Nghị quyết 154 và Nghị quyết 68 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Trong đó, các khoản mục hỗ trợ cụ thể như hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho 4,1 triệu người lao động (số lượng lao động đào tạo trong khu vực nhà nước) với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng trong 6 tháng (tổng mức hỗ trợ khoảng 36.900 tỷ đồng); Hỗ trợ cho khoảng 2,68 triệu người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương khoảng 10.000 tỷ đồng…
Thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở để công nhân không còn cảnh trọ nhà mấy m2
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh đề nghị, trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội tới đây, Quốc hội và Chính phủ nên có thiết kế chính sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khu vực đô thị và khu công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng ký túc xá cho công nhân trong khu công nghiệp.
Xác định lao động tại các khu công nghiệp là yếu tố quan trọng tạo ra sự phát triển kinh tế của đất nước song người lao động chưa có được chỗ ở tốt, đa số ở trong các nhà trọ không bảo đảm vệ sinh, môi trường, sức khỏe, ông Phạm Văn Thịnh đề nghị trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội tới đây, Quốc hội và Chính phủ nên có thiết kế chính sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khu vực đô thị và khu công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng ký túc xá cho công nhân trong khu công nghiệp.
“Cản trở lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng như người lao động vay, hiện chỉ trông chờ vào nguồn cấp từ ngân sách nên rất khó khăn. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ nên xem xét 2 giải pháp.
Một là, tăng tỷ lệ diện tích sàn thương mại hoặc đất ở thương mại từ 20% lên 30 - 40% để dự án nhà xã hội có thêm nguồn cân đối giảm giá nhà cho người thu nhập thấp (sửa đổi Nghị định 100 năm 2015 và Nghị định 49 năm 2021) và nâng cao chất lượng công trình, hạ tầng, cộng đồng dân cư nơi có quỹ nhà ở xã hội.
Hai là, thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để huy động nguồn vốn cho đầu tư nhà ở xã hội, tránh áp lực phải cấp vốn từ ngân sách như hiện nay và giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, vận hành.
Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là có nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có nhu cầu thuê, mua quỹ nhà ở xã hội hoặc xây dựng ký túc xá cho công nhân mình ở nhưng pháp luật chưa cho phép.
"Đây là nhu cầu hết sức chính đáng và hợp lý, Quốc hội và Chính phủ cần sửa đổi Luật Nhà ở và bổ sung các chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được thuê, mua lại hoặc tự xây ký túc xá cho công nhân", ông Thịnh nhấn mạnh.
Tăng cường kết nối cung - cầu lao động để không ai bị bỏ lại phía sau
Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, việc làm của người lao động, và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, sắp tới, chương trình phục hồi thị trường lao động bền vững, cần trọng tâm vào 1 số vấn đề như: chương trình phục hồi sẽ tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở, tiêm mũi 3 cho công nhân lao động… để đảm bảo cho người lao động yên tâm quay trở lại nơi làm việc.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh cần xây các nhà mẫu giáo trông trẻ cho con em lao động. Ngoài ra, tăng quỹ vốn vay để giải quyết việc làm, giúp cho phát triển kinh tế hộ gia đình, các DNNVV, Hợp tác xã; tăng cường giải quyết việc làm cho khu vực phi chính thức.
Cũng như tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực cho các cơ sở dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp để tăng cường đào tạo lao động chất lượng cao, phục vụ phục hồi kinh tế, thích ứng chuyển đổi số, và tăng cường đầu tư, xây dựng các cơ sở xã hội để tăng cường chăm lo cho trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, các đối tượng yếu thế ảnh hưởng Covid-19.
Bên cạnh đó, cũng cần có các giải pháp tăng cường kết nối cung cầu lao động theo hướng trực tuyến, giúp cho người tìm việc, việc tìm người một cách dễ dàng...