Hỗ trợ doanh nghiệp cần chiến lược phối hợp giữa an sinh xã hội và kích cầu tiêu dùng
(DNTO) - Đề xuất về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, NCIF khuyến nghị, cần tăng quy mô các gói hỗ trợ an sinh xã hội, nghiên cứu đưa ra chiến lược phối hợp giữa an sinh xã hội và kích cầu tiêu dùng.
Tại diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam (VEP), với chủ đề “Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững”, ngày 5/11, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, trong đợt dịch lần 4, các doanh nghiệp đã gặp phải 3 yếu tố bất ngờ, bao gồm tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và đại dịch bùng phát ở những trung tâm lớn của đất nước, giãn cách xã hội kéo dài quá mức trong khi có những thay đổi về chính sách liên quan tới kiểm soát đại dịch khiến các doanh nghiệp khó bắt kịp và thực hiện, và chi phí tuân thủ tăng quá cao khiến các doanh nghiệp cảm thấy hoang mang không biết nên phục hồi như thế nào.
Theo đó, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh thì mới có thể phục hồi và tiến tới phát triển tốt hơn trong tương lai. Ngoài ra, môi trường kinh doanh cũng cần cải thiện, chi phí tuân thủ cần giảm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, và cải cách hành chính là rất cần thiết để giải phóng nguồn lực cần cho quá trình phục hồi.
"Các doanh nghiệp mong muốn có gói hỗ trợ đủ lớn, đủ dài hơi, triển khai nhanh hơn, bao gồm cả hỗ trợ kích cầu tiêu dùng nội địa vì phần lớn các doanh nghiệp hoạt động ở thị trường trong nước", bà Lan cho biết.
Đồng quan điểm, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, NCIF khuyến nghị, trong giai đoạn ngắn hạn, Việt Nam cần kiểm soát dịch bệnh, thực hiện tốt phương châm thích ứng an toàn với Covid-19 theo Nghị quyết 128; tăng quy mô các gói hỗ trợ an sinh xã hội, đặc biệt cần nghiên cứu đưa ra chiến lược phối hợp giữa an sinh xã hội và kích cầu tiêu dùng.
Ông Thắng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với tiêu thụ thị trường trong nước xuất phát từ thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm do tác động của dịch Covid-19 khiến họ phải điều chỉnh hành vi tiêu dùng, dẫn đến tổng cầu suy giảm.
Hơn nữa, trong quá trình phòng chống dịch Covid-19 nhiều địa phương quá chú trọng ưu tiên các biện pháp phòng chống mà không hài hoà với biện pháp phát triển kinh tế, dẫn tới lưu thông hàng hoá bị gián đoạn. Chính điều này làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá đến người dân, doanh nghiệp. Đồng thời làm tăng chi phí của những sản phẩm hàng hoá tới tay người tiêu dùng...
"Thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi, ngoài các biện pháp về tiền tệ, tài khoá, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì một trong các giải pháp quan trọng là tăng tổng cầu, đặc biệt kích cầu tiêu dùng nội địa", ông Thắng nêu quan điểm.
Đơn cử như tái khởi động lại hàng loạt các chương trình kể cả online và offline, khởi động Chương trình khuyến mại quốc gia tập trung…. nhằm kết nối giữa người mua và người bán giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hoá thuận lợi, giá rẻ...
Vai trò của thị trường nội địa rất quan trọng và dẫn dắt cho thị trường xuất khẩu. Do vậy, cần đẩy mạnh tăng cường mối liên kết trong việc kết nối, khai thác, tiêu thụ và xuất khẩu hàng Việt giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp phân phối và xuất khẩu, qua đó, góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Cũng theo ông Thắng, để những gói hỗ trợ thực sự "thẩm thấu" doanh nghiệp, cần có những đột phá, không chỉ trong văn bản mà cả việc thực thi và thời điểm triển khai.
"Các gói hỗ trợ tiếp theo cần tập trung vào việc giảm giá điện, thuế môi trường trong xăng dầu, chi phí giao thông BOT hơn. Tiếp tục hỗ trợ chi phí giữ lao động của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và lớn”, ông Thắng nói.
Đồng thời, ông Thắng cho rằng, về tín dụng, cần sử dụng các biện pháp gián tiếp, như nới room tín dụng cho một số ngân hàng kèm theo điều kiện hạ lãi suất dài hạn; hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu; kiểm soát nợ xấu, kế hoạch phòng ngừa nợ xấu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Chú trọng những vấn đề mang tính cấu trúc, thể chế bộc lộ trong giai đoạn Covid-19 như phân cấp, phân quyền giữa địa phương, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính công, chuỗi cung ứng, công nghiệp phụ trợ; Nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; Tận dụng gói hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới với phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn tạo đột phá lớn trong công nghệ cốt lõi.