Thứ trưởng Bộ Tài chính: Nghiên cứu ban hành các giải pháp về tài khóa nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp
(DNTO) - Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho rằng, trước yêu cầu nhanh chóng tận dụng cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính đang cùng với các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành các giải pháp về tài khóa nới lỏng để tạo thanh khoản cho doanh nghiệp.
Chấp nhận bội chi trên cả nước năm 2021 và 2022 là 4%
Phát biểu tại Diễn đàn "Phát triển Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững", chiều 5/12, Ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, chính sách tài khóa của Việt Nam đã được điều chỉnh linh hoạt nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp các khoản thuế và tiền thuê đất, phí, lệ phí. Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
"Ước tính số lượng thuế miễn giảm trong năm 2020 khoảng 130 nghìn tỷ đồng, trong đó giãn khoảng 100 nghìn tỷ, còn lại miễn, giảm. Đến năm 2021 thì con số này khoảng 140 nghìn tỷ và thời gian tới chúng tôi tiếp tục nghiên cứu các chính sách miễn giảm giãn đã tập trung vào các ngành hàng các lĩnh vực chịu tổn thương nhiều do tác động của dịch bệnh, ví dụ như là về vận tải, du lịch, khách sạn, giáo dục, y tế..." ông Hưng thông tin.
Cũng theo ông Hưng, năm 2021 ngân sách đã chi cho Trung ương và địa phương là 76 nghìn tỷ đồng, riêng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 38 nghìn tỷ đồng và thực hiện nhiều chính sách về miễn giảm cước viễn thông tiền điện, học phí với tổng khoảng 40 nghìn tỷ đồng.
"Tổng hòa các chính sách hỗ trợ đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân đặc biệt là các đối tượng chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh tạo thêm nguồn lực để để đối phó với dịch covid-19 đảm bảo an sinh xã hội trật tự xã hội trong thời gian vừa qua chính sách", ông Hưng cho hay.
Ông Hưng cho hay, để tăng chi và thực hiện ưu đãi về thuế chúng ta đã chấp nhận bội chi trên cả nước năm 2021 và 2022 là 4%.
"Nhiều diễn giả tại Diễn đàn sáng nay cho rằng quy mô này chưa lớn, nhưng xét thực tế mà nói, 4% này là chúng ta tính lại bắt đầu từ 2021, còn nếu so với GDP mà chúng ta tính từ giai đoạn trước khoảng 5,1 đến 5,2% GDP, tức là chúng ta đã phải vay hơn rất nhiều, tăng hơn rất nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Hưng nhận định.
Theo ông Hưng, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các chính sách của chúng ta sẽ tập trung vào tháo gỡ khó khăn nhanh chóng khôi phục sản xuất thị trường lao động, và tiếp tục sử dụng các vấn đề về an sinh xã hội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc tạo thanh khoản cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về thương mại, về tín dụng cũng như là chi phí đầu vào khác.
"Để tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển bền vững thời gian tới, Chính Phủ cần thông qua các chính sách kích cầu, đặc biệt là các hệ thống hạ tầng quan trọng, tiền phải đổ vào các dự án đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, tạo nên đột phá lớn để tăng trưởng và “phải lập dự án trong điều kiện đặc biệt thì mới tiêu được tiền ở các gói kích cầu”, ông Hưng nhấn mạnh.
Nghiên cứu ban hành các giải pháp về tài khóa nới lỏng để tạo thanh khoản cho doanh nghiệp
Theo ông Hưng, nhiệm vụ đặt ra cho năm tới là phải kiểm soát an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, củng cố năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, mở rộng và tăng cường diện bao phủ vaccine. Mặt khác phải có các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nhanh chóng khôi phục các hoạt động của nền kinh tế, khắc phục sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, phục hồi thị trường lao động, đặc biệt là ở các trung tâm công nghiệp, dịch vụ.
Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng vừa tạo động lực hỗ trợ cho nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân, vừa phải đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô.
"Chúng tôi đang cùng với các bộ, ngành nghiên cứu ban hành các giải pháp về tài khóa nới lỏng. Để giảm thiểu tác động của các giải pháp này tới an ninh tài chính quốc gia, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp trọng tâm", ông Hưng cho hay.
Cụ thể, thứ nhất, nghiên cứu hoàn thiện chính sách về thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, động viên hợp lý nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, bảo đảm tính bền vững, an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công.
Thứ tư, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; bảo đảm dự toán thu ngân sách nhà nước.
Thứ năm, phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng.
Cuối cùng, chú trọng cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh, minh bạch, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước.