PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Dư địa tài khóa Việt Nam vẫn còn nhưng không quá nhiều
(DNTO) - PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhận định, dư địa thực hiện chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn còn nhưng không quá lớn. Do vậy, gói tài khóa trong hai năm 2022 và 2023 khoảng từ 3,8 - 4% GDP là phù hợp, nếu chưa tính đến chi phí y tế.
Chiều nay, 5/12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 tiến hành 2 phiên họp chuyên đề, trao đổi chuyên sâu về 2 chủ đề: "Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế" và "Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế".
Trao đổi về dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Giảng viên cao cấp Học Viện Tài chính, chỉ rõ: Tỷ lệ nợ công và nợ Chính phủ giai đoạn 2017-2020 đã giảm, nếu tính theo GDP mới, nợ công trong năm 2021 chiếm tương đương 43,7% GDP, thấp hơn nhiều mức trần Quốc hội cho phép, nợ Chính phủ khoảng 3,35 triệu tỷ đồng, bằng 39,5% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 24,8% và nợ nước ngoài quốc gia gần 8,8% GDP.
Bên cạnh đó, dự thảo ngân sách nhà nước được xây dựng thận trọng hơn, nhất là các khoản thu chính cũng được dự toán với sự thận trọng khi thu từ sử dụng đất giảm 4% so với cùng kỳ. Cơ hội tăng vay nợ trong nước qua phát hành trái phiếu Chính phủ tăng, khi qua 12 năm lãi suất huy động vốn trên thị trường này đã giảm đáng kể, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi và hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô. Tính bền vững về nguồn thu, khi nguồn thu từ đất đai còn khá cao, chiếm từ 9 - 10% thu ngân sách.
Từ những phân tích tình hình thực trạng ngân sách giai đoạn vừa qua, ông Vũ Sỹ Cường nhận định, dư địa thực hiện chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn còn nhưng không quá lớn. Do vậy, gói tài khóa trong hai năm 2022 và 2023 khoảng từ 3,8 - 4% GDP là phù hợp, nếu chưa tính đến chi phí y tế.
Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ tăng tính hiệu lực chung của chính sách kinh tế vĩ mô
Về dư địa của chính sách tiền tệ, ông Vũ Sỹ Cường phân tích, trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát tương đối chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán hàng năm, nên dư địa chính sách tiền tệ còn ở mức độ nhất định. Thậm chí, năm 2021, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động duy trì ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo ông Cường, lý thuyết kinh tế cho thấy tác động của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tới các biến số vĩ mô của nền kinh tế rất phức tạp. Chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ đều được thực hiện dựa trên một số công cụ chính sách nhất định mà mỗi công cụ này có hiệu lực đối với một hoặc một số mục tiêu nhất định. Do vậy, việc phối hợp hai chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ làm tăng số lượng các công cụ chính sách sẵn có, giúp tăng tính hiệu lực chung của chính sách kinh tế vĩ mô.
Một lý do khác cần phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, theo ông Vũ Sỹ Cường, những quyết định của chính sách tài khóa đòi hỏi thời gian dài không chỉ trong việc ra quyết định mà còn trong thực thi quyết định (được gọi là độ trễ trong), không đáp ứng được yêu cầu xử lý các tình huống nhanh chóng. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ chỉ có thể tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua hành vi của doanh nghiệp và hộ gia đình (gọi là độ trễ ngoài). Việc kết hợp hai chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ khắc phục hạn chế về độ trễ của mỗi chính sách, tính linh hoạt, phù hợp với năng lực ngân sách và bảo đảm tính ổn định của mỗi chính sách.
Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid - 19, cả tổng cung và tổng cầu bị suy giảm, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc có một gói hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế là rất cần thiết. Với kịch bản tăng trưởng khoảng 6,5%, Việt Nam cần duy trì gói hỗ trợ tài khóa thêm khoảng 2,4 - 2,8% GDP cho năm 2022 và giảm xuống còn 1,4% GDP cho năm 2023 (theo số GDP mới). Từ năm 2024, kết thúc gói hỗ trợ mức bội chi sẽ quay về mức trung bình là 3% GDP. Với kịch bản này, nợ công chỉ dao động khoảng 48% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng không đáng kể khi Chính phủ sẽ huy động các khoản vay qua trái phiếu Chính phủ dài hạn.
Đưa ra gợi ý chính sách, ông Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh, việc thực hiện chính sách tài khóa cần cân nhắc tính bất định của giai đoạn tiếp theo, không nên có gói hỗ trợ tài khóa quá lớn, trong hai năm 2022 và 2023 khoảng 6% GDP (nếu tính cả hỗ trợ về y tế). Bảo đảm hài hòa hai chính sách tài khóa và tiền tệ trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh khả năng giải ngân, thực hiện hàng loạt giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Theo ông Cường, để giảm lãi suất cho vay, bên cạnh điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, cần thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng, cũng như sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngân hàng có không gian rộng hơn về huy động tín dụng.
Do suy giảm tăng trưởng trong năm 2021 có nguyên nhân chính từ y tế (dịch bệnh Covid - 19), nên ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, chính sách tài khóa, tiền tệ phải kết hợp chặt chẽ với chính sách y tế. Đồng thời có các kịch bản y tế, tài khóa và tiền tệ cụ thể để doanh nghiệp thấy chắc chắn hơn trong đầu tư kinh doanh thời gian tới.