Các ngân hàng đặt kỳ vọng cao cho năm 2021
(DNTO) - Đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021, các chủ nhà băng kỳ vọng một kịch bản tươi sáng cho ngành tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng có thể phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan.
Các ngân hàng đặt kỳ vọng cao cho năm 2021
Sau khi kết quả lợi nhuận năm 2020 khả quan hơn kỳ vọng, nhiều ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng trong 2021. Đơn cử, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Tổng tài sản tăng 6%, huy động vốn thị trường 1 tăng 8%, tín dụng tăng 12%. Ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
VietinBank đặt kế hoạch tổng tài sản tăng khoảng 3-6% trong năm 2021. Tín dụng tăng 8 - 11% và huy động tăng 10-12%. Tỷ lệ nợ xấu đặt mục tiêu kiểm soát dưới 2%. Mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10 - 20%. Năm qua, ngân hàng đạt lợi nhuận riêng lẻ trước thuế đạt 16.450 tỷ đồng, tăng 43%.
BIDV chưa công bố kế hoạch lợi nhuận năm nay. Ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 9%. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 12%, tuân thủ giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn tăng 12 – 14,8%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,6%. Nhà băng này dự kiến tổ chức họp cổ đông thường niên 2021 vào ngày 27/2. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt 8.515 tỷ đồng và hợp nhất đạt 9.017 tỷ đồng, vượt kế hoạch tài chính Ngân hàng Nhà nước giao, giảm lần lượt 18% và 16% so với năm 2019.
Ở khối ngân hàng tư nhân, một số đơn vị mới hoặc chuẩn bị niêm yết đã công bố kế hoạch kinh doanh. MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 30%, tất cả các chỉ tiêu khác như tổng tài sản, tín dụng và tiền gửi khách hàng tăng tương đương. Năm 2020, ngân hàng này này có lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng, tăng 94% so với năm 2019 và vượt 74% chỉ tiêu năm.
SeABank đặt mục tiêu lãi sau thuế 1.639 tỷ đồng trong 2021, tăng 36% so với kế hoạch năm 2020, theo thông tin từ bản cáo bạch chào sàn. Trong khi đó, năm qua, ngân hàng lãi trước thuế gần 1.729 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019 và vượt 15% kế hoạch đặt ra. Tổng tài sản đạt 180.207 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm. Tổng dư nợ thị trường 1 đạt 108.869 tỷ đồng, tăng 10,5%; Tổng huy động vốn trên thị trường 1 đạt 113.276 tỷ đồng tăng 18%.
Một ngân hàng khác chuẩn bị lên sàn là OCB đặt kế hoạch lãi trước thuế 5.060 tỷ đồng năm nay, tăng 15% so với chỉ tiêu năm 2020. Tổng tài sản và cho vay thị trường 1 dự kiến tăng 19%. Tương tự, nhà băng này cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế năm qua với kết quả ngoài dự đoán với 4,414 tỷ, tăng 37% so với năm 2019, vượt chỉ tiêu năm. Tổng tài sản OCB đạt 152,848 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Huy động vốn đạt 108,614 tỷ, tăng 27%; tổng dư nợ cho vay đạt 90,128 tỷ đồng, tăng 24%.
Triển vọng năm 2021 vẫn là ẩn số
Trong báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 mới đây của Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 trong khoảng 13% đến 14%. Con số này cao hơn mức ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 là khoảng 12% và tương đối sát với trung bình tăng trưởng tín dụng năm 2018 và 2019 là trên 13%.
Ước tính dựa trên sự phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vaccine Covid-19 thành công, sự chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang nợ vay ngân hàng và việc tái khởi động tài chính tiêu dùng.
Vaccine Covid-19 đang bước vào giai đoạn thử nghiệm tạo kỳ vọng sẽ tạo một cú hích cho nền kinh tế vào năm 2021 và dần phục hồi vào nửa cuối năm. Theo đó, thương mại quốc tế, sản xuất và tiêu dùng có thể khôi phục và giúp hoạt động cho vay tăng trở lại.
Tuy nhiên, theo bà Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Khối vận hành - Giám đốc Văn phòng Quản lý dự án PVComBank, ngành tài chính ngân hàng chỉ thực sự ngấm đòn trong năm 2021. “Nếu như thị trường khó khăn, lợi nhuận doanh nghiệp giảm, nợ xấu phát sinh cao... Trong khi ngân hàng phụ thuộc vào nền kinh tế, nếu nền kinh tế không khởi sắc lên thì ngành ngân hàng trong năm tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
Năm nay doanh nghiệp vẫn còn đang xoay sở được, họ vẫn còn những nguồn tích lũy từ những năm trước để trả gốc và lãi ngân hàng. Nhưng nhiều khả năng sang năm tới thì nguồn tích lũy đó cạn kiệt, ngân hàng cũng không có thu nhập nữa, nợ xấu lại phát sinh thêm.
Bao giờ ngân hàng cũng có độ "trễ". Khi nền kinh tế khởi sắc thì doanh nghiệp sẽ khởi sắc trước, còn khi khó khăn, ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng lâu dài.” Bà Nga cho biết.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, triển vọng của ngành ngân hàng năm 2021 tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như trong nước. Mặc dù hiện Việt Nam đang kiểm soát khá tốt dịch, tuy nhiên vẫn có rủi ro dịch bệnh bùng phát trở lại khi ở nhiều quốc gia như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Nếu sang năm 2021 có vaccine, Chính phủ các quốc gia có các biện pháp phòng, chống, kiểm soát được dịch thì nền kinh tế toàn cầu có thể dần khôi phục trở lại. Bằng không, kinh tế thế giới sẽ đi vào giai đoạn khủng hoảng mới.
Giới chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, ngân hàng sẽ phải quen với trạng thái “bình thường mới” khi đa số khách hàng không có nhu cầu và không muốn tới chi nhánh nữa, mạng lưới chi nhánh lớn chuyển từ lợi thế thành điểm yếu về chi phí.
Chưa kể cạnh tranh không chỉ tới từ ngân hàng khác mà còn đến từ các tổ chức không phải ngân hàng, thậm chí là các đối tác trước đây của ngân hàng; năng lực và kiến trúc công nghệ của core banking theo truyền thống có thể không còn phù hợp với môi trường cạnh tranh mới.