Ngân hàng lãi ngàn tỉ chưa thể gọi là đột biến
(DNTO) - Năm 2020 chứng kiến lãi suất tiền gửi tiết kiệm liên tục đi xuống và rơi vào vùng thấp lịch sử. Trong khi người gửi tiền tiết kiệm bị giảm lợi suất, doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi vay cao thì ngân hàng lãi lớn.
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng về mức thấp.
Dựa vào đó, tất cả các ngân hàng (NH) thương mại đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động, cả với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trở lên. Hiện tại, lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng thương mại chỉ ở mức từ 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 3,7-5,0%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, từ 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Theo Công ty Chứng khoán SSI lãi suất gửi tiết kiệm hiện tại đã thấp hơn thời điểm cuối 2019 từ 1,5-3 điểm phần trăm và đang rơi vào vùng thấp lịch sử.
Đại dịch Covid-19 trong thời buổi “cách ly toàn xã hội”, hầu như các công ty, doanh nghiệp đều điêu đứng thì ngành ngân hàng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh với mức lợi nhuận lớn. Chưa kể các ngân hàng còn giảm lãi suất gần như “chạm đáy”, liên tục tung ra các gói vay ưu đãi hỗ trợ. Vậy điều gì làm nên kỳ tích này?
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến hết năm 2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,65%).
Ngân hàng báo cáo lãi lớn
Thông báo mới đây của các ngân hàng đều “ồ ạt” báo lãi lớn năm 2020. Từ các “ông lớn” quốc doanh đến NH tư nhân đều có lợi nhuận khả quan bất chấp năm đại dịch.
Thành công nhất là NH Vietcombank ghi nhận đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỉ USD. Tăng trưởng tín dụng tới 14%, mức tăng trưởng cao nhất toàn hệ thống ngân hàng.
Đứng thứ hai về lợi nhuận nhưng lại ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất trong số các “ông lớn” là VietinBank. Lợi nhuận riêng lẻ ghi nhận 16.450 tỉ đồng trước thuế, thu nhập ngoài lãi tăng 35,2% so với năm 2019. Chỉ số sinh lời ROE (tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) và ROA (tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản) là 16,8% và 1,3%, cải thiện mạnh so năm 2019.
BIDV là ngân hàng duy nhất trong các “ông lớn” có lợi nhuận sụt giảm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.017 tỉ đồng, giảm khoảng 16% so với năm 2019. Lãnh đạo BIDV cho biết, sở dĩ lợi nhuận sụt giảm là do ngân hàng đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của NHNN.
Lãi lớn không phải là "bất thường"
Tuy nhiên, với tư cách là người trong cuộc, lãnh đạo một số NH thương mại cho rằng muốn biết một NH có "trúng đậm" hay không phải nhìn vào chỉ số an toàn hay chỉ số sinh lời. Mỗi NH đều có tổng tài sản, vốn chủ sở hữu từ vài chục ngàn tỉ đồng đến hàng trăm ngàn tỉ đồng thì mức lợi nhuận vài ngàn tỉ đồng không phải là "đột biến", "bất thường".
Tổng giám đốc một NH cổ phần có mức lợi nhuận trên 4.000 tỉ đồng năm 2020 chia sẻ hồi giữa năm, giai đoạn thị trường đang "căng" vì dịch, NH từng có ý định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhưng rất may mắn, sau đó thị trường có dấu hiệu tích cực hơn, NH chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh một số lĩnh vực khác như dịch vụ, chứng khoán… đóng góp đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận. "Đáng lẽ kết quả kinh doanh của chúng tôi có thể cao hơn nhiều nhưng vì dành khoảng trên 1.000 tỉ đồng lợi nhuận để giảm lãi vay, chia sẻ với khách hàng trong mùa Covid-19. Chưa kể, lãi nhiều hay ít phải nhìn các chỉ số, cơ bản như ROA, ROE bởi NH là ngành kinh doanh gắn chặt với rủi ro, biến động của nền kinh tế", vị tổng giám đốc NH này nói.
Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc NH TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), cho hay trong năm có thời điểm hoạt động rất khó khăn do dịch Covid-19 nhưng NH đã vượt qua, đạt tốt các chỉ tiêu đặt ra, đặc biệt tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ ở mức 0,75% - một trong những mức thấp nhất trên thị trường. "Dù vậy, chúng tôi không chủ quan vì thường ngành NH sẽ chịu độ trễ của chu kỳ khủng hoảng, có ảnh hưởng nhất định nên cần những kế hoạch, chiến lược chuẩn bị ứng phó trong năm 2021". ông Lê Thành Trung nói.
Kết quả kinh doanh khả quan cũng là một trong những lý do quan trọng giúp cổ phiếu ngân hàng hồi phục và liên tục tăng giá trong những phiên gần đây. Theo đánh giá của giới chuyên gia, nhờ các chiến lược và hướng đi đúng đắn, lợi nhuận của các nhà băng năm 2020 khả quan hơn so với kỳ vọng từ đầu năm. Triển vọng khả quan này sẽ còn được kéo dài sang năm 2021 khi NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng.Quan trọng không kém, nhiều chuyên gia nhìn nhận các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục phải chấp nhận "hy sinh" lợi nhuận trong năm 2021 để có nguồn lực xử lý nợ xấu.
Một lãnh đạo NH Nhà nước cũng cho biết đã yêu cầu các NH thương mại cân nhắc, xem xét trong chỉ tiêu lợi nhuận năm nay để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế sớm phục hồi sau đại dịch.