Đầu tư co lại, fintech có còn là ‘thỏi nam châm’ hút vốn?
(DNTO) - Vốn rót vào startup fintech Đông Nam Á đã giảm 80%, cho thấy mây đen của thị trường vẫn chưa qua đi. Dẫu vậy, không phải lĩnh vực nào của fintech cũng là màu xám.
Fintech vẫn là ‘cột cờ’ trong ‘bó đũa’
Theo Tech in Asia, số tiền đầu tư startup fintech trong 6 tháng đầu năm đã chứng kiến sự sụt giảm tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái, dừng ở mức 1 tỷ USD. Tổng khối lượng cũng giảm 50%, chỉ khoảng 59 giao dịch so với con số 130 của cùng kì năm trước.
Tại Việt Nam, báo cáo của Tracxn cũng ghi nhận dòng vốn vào startup công nghệ trong nửa đầu năm sụt giảm 82% so với cùng kì năm trước, từ 372 triệu USD xuống còn 66 triệu USD. Tuy vậy, fintech vẫn là điểm sáng trong thu hút vốn mạo hiểm.
Trong khu vực, các phân khúc của fintech như insurtech (công nghệ bảo hiểm) hay digital banks (ngân hàng số) vẫn ghi nhận những thương vụ quy mô lớn. Điển hình như Bolttech (trụ sở tại Singapore) mới đây đã huy động thành công 196 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B. Với định giá 1,6 tỷ USD, startup này đã trở thành kỳ lân công nghệ…
Tại Việt Nam, theo Nikkei, đây vẫn là thị trường fintech cạnh tranh nhất châu Á, đặc biệt là giữa các công ty fintech nội địa với những startup giàu tiềm lực. Startup lĩnh vực fintech Việt Nam huy động 6,2 triệu USD; các ứng dụng doanh nghiệp huy động 5,1 triệu USD trong nửa đầu năm. Nổi bật là thương vụ Gimo – nền tảng ứng lương linh hoạt, đã huy động được 5,1 triệu USD vòng series A.
Việc nhiều startup fintech huy động được hàng triệu USD trong “mùa đông gọi vốn” đã chứng minh sức hấp dẫn của ngành vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, những startup chứng minh mô hình kinh doanh có hiệu quả vẫn dễ dàng có được cái gật đầu của “cá mập”, dù bối cảnh thăng hoa của dòng tiền đã qua đi.
Vẫn khắc khoải cơ chế sandbox
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, 6 tháng đầu năm, thanh toán phi tiền mặt tăng 55% về số lượng, qua kênh internet tăng 76%, điện thoại di động tăng 65%, qua QR Code tăng 152% và qua ATM giảm 4%, so với cùng kì năm trước.
Việc ngân hàng liên thông với các trung gian thanh toán, thời gian xử lý các giao dịch tính bằng giây đã giúp xử lý 8 triệu giao dịch/ngày, tổng giá trị giao dịch trong nửa năm là 900.000 tỷ đồng, tương đương 40 tỷ USD.
“Hiện tại, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều ra mắt ứng dụng ngân hàng số”, ông Hùng cho biết và nhấn mạnh đây là cơ hội rất lớn dành cho fintech. Tuy nhiên, vị này cũng bày tỏ lo ngại khi ngành ngân hàng chuyển đổi số đồng nghĩa với việc mất an toàn thông tin mạng tăng cao. Bởi ngân hàng là “miếng pho mát” béo bở mà các tội phạm công nghệ thường nhắm tới.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, các doanh nghiệp dịch vụ fintech trong nước hiện đang đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), cloud (điện toán đám mây) vào vận hành, nhờ đó cung cấp cho người dùng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tài chính đa dạng, cũng như tăng cường bảo mật thông tin.
Mặc dù fintech được xác định là một phần tất yếu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, nhưng ông Hoài cho biết, đây là ngành mới nổi nên còn thiếu khung khổ pháp lý. Một số chính sách liên quan như kế hoạch chuyển đổi số Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng hướng đến phát triển nền tài chính số và xây dựng mô hình hoạt động trên dữ liệu, công nghệ số an toàn, chất lượng, nhưng những quy định cụ thể chưa có.
“Đó là lý do mà các công ty fintech hiện nay đều phải dựa vào các luật hiện hành, nhưng đôi khi lại chưa phù hợp với đặc thù của ngành và chưa theo kịp những xu hướng mới”, ông Hoài nói.
Lấy ví dụ tại Singapore hay Indonesia, ông Hoài cho biết, 2 nước này đã có cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox) cho lĩnh vực fintech. Nhưng ở Việt Nam, dù các cơ quan, tổ chức đã tham gia đề xuất rất nhiều, nhưng khung pháp lý thử nghiệm này vẫn chưa được thông qua. Với vai trò của mình, đại diện NIC cho biết sẽ tiếp tục đề xuất các cơ chế pháp lý đột phá để tạo môi trường phát triển cho các ngành công nghệ mới.
Các chuyên gia của Tracxn cũng cho rằng để thúc đẩy thị trường công nghệ tài chính, Chính phủ Việt Nam cũng cần thực hiện một số chính sách đột phá cho khởi nghiệp, cung cấp vốn cho startup, cũng như hỗ trợ cho doanh nhân nữ và sinh viên khởi nghiệp.