Vốn mạo hiểm trở lại với startup blockchain
(DNTO) - “Bữa tiệc” gọi vốn trong lĩnh vực blockchain đã trở lại sôi động vào những tháng gần đây khi hàng trăm triệu USD được giải ngân cho startup, điều chỉ nhìn thấy giai đoạn đầu năm 2022.
“Mùa đông” gọi vốn đang có tín hiệu giã băng khi liên tiếp nhiều startup trong lĩnh vực blockchain nhận được khoản tài trợ khủng. Bùng nổ nhất có thể kể đến các khoản rót vốn của BlackRock – một trong những nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, vào 2 startup blockchain là Securitize (47 triệu USD) và Monad (225 triệu USD).
Trong 2 tháng liên tiếp (tháng 3 và 4), các khoản tài trợ cho startup blockchain bùng nổ với con số trên 1 tỷ USD mỗi tháng, giải ngân cho hàng trăm thương vụ, theo RootData. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 3,67 tỷ USD đã đổ vào ngành, qua 604 vòng tài trợ. Vốn đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực blockchain năm nay dự kiến sẽ vượt con số 9,3 tỷ USD năm trước.
Chia sẻ về sự trở lại của dòng vốn đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực blockchain, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xúc tiến đầu tư Hiệp hội Blockchain Việt Nam, CEO Spores Network và Amnis Finance, cho biết thời điểm tháng 9/2023, sự kiện Token 2049 ở Singapore và Tuần lễ Blokchain ở Hàn Quốc diễn ra, vị này đại diện quỹ đi gọi vốn cho một số dự án đang hỗ trợ.
Tuy nhiên, các quỹ đầu tư khi đó cũng nói rằng họ cũng phải đi gọi vốn vì đều trong tình trạng đã giải ngân hết ở giai đoạn trước và đang gọi các nguồn vốn mới từ nhà đầu tư khác. Thời điểm đó, thị trường cũng còn khó khăn, Bitcoin chưa vượt mốc 30.000, nên bầu không khí lúc đó là “người xin tiền thì nhiều còn người có tiền không có mấy ai”.
Sau tháng 12/2023 cho đến gần đây, môi trường đã thay đổi nhiều. Một số quỹ đầu tư (VC) đã bắt đầu gọi được vốn khi thị trường ấm lên. Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho biết, mặc dù các quỹ đã có tiền trở lại nhưng nhìn chung việc giải ngân vẫn còn dè dặt, không còn mạnh mẽ như thời điểm năm 2021 với sự bùng nổ làn sóng GameFi (chơi game kiếm tiền), các startup chỉ cần ý tưởng là có thể gọi được từ 2-3 triệu USD dễ dàng.
Thị trường blockchain hiện tại, nhà đầu tư kĩ tính và thông minh hơn rất nhiều so với 2021. Họ sẽ không hỏi startup về câu chuyện sản phẩm hay tương lai của sản phẩm mà họ hỏi những điều thực tế hơn.
“Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần rất nhiều thứ, chắc chắn phải có sản phẩm thử nghiệm chưa, sản phẩm đã “sống” chưa, có người dùng không, định giá như thế nào, đội ngũ ở đâu... kể cả hỏi hết những thứ ấy thì họ vẫn còn đắn đo. Bởi thời điểm này họ hiểu một điều rằng họ chưa có gì phải vội, không đầu tư tháng này thì tháng sau dự án vẫn ở đó, chưa mất đi đâu cả. Họ không còn ở trong tình huống không đầu tư bây giờ thì mai dự án lên sàn mất hoặc có người khác đầu tư mất”, ông Hưng nói.
Bởi theo vị “cá mập” này, ý tưởng về một startup trên thế giới đã khác, kể cả trong bất kì lĩnh vực nào, các VC đều có một tầm nhìn chung rằng sản phẩm phải “viral” (nổi tiếng), dành rất ít tiền marketing nhưng vẫn thu hút được người dùng.
“Họ đã nhìn vào những thành công của các startup những năm 2000, thời đầu tiên của Email, Yahoo Mail. Nó có một điểm đặc biệt là khi bạn gửi email, ở dưới sẽ có một dòng mã mời là ai nhận được email này sẽ được đăng kí một email miễn phí. Thời kỳ đó, mọi người chưa có nhiều email và nó đã viral khủng khiếp. Những công ty công nghệ đó bản chất họ dùng sale (người bán hàng) cũng như dùng marketing rất ít. Các công ty phần mềm dịch vụ trên thế giới như Zoom... gần như không có sale nào tiếp cận chúng ta để mời sử dụng, nhưng vì mọi người đều dùng nên tự chúng ta biết và sử dụng”, ông Hưng lấy ví dụ.
Vì vậy, theo đại diện Hiệp hội Blockchain, sản phẩm của startup phải phù hợp với thị trường, nói nôm na mọi doanh nghiệp đều đi giải quyết một vấn đề và khách hàng chịu trả tiền cho bạn để giải quyết vấn đề đó. Các quỹ vẫn cởi mở nhưng startup phải chứng minh được rằng dự án của bạn đang kiếm tiền tốt và nếu có nguồn vốn đầu tư, nó sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Tức mô hình kinh doanh đã chứng minh được hiệu quả. Còn nếu gọi vốn và đợi 2-3 năm mới có người dùng thì nhà đầu tư sẽ khá dè dặt với khoản R&D lớn như vậy.
“Amnis Finance là đội ngũ của chúng tôi xây dựng, trong 6 tháng ra mắt, tổng tài sản quản lý là 150 triệu USD. Các quỹ và rất nhiều đối tác băn khoăn rằng liệu có quỹ nào đứng sau số tài sản lớn như vậy không. Nhưng thực tế 150 triệu USD toàn bộ là tiền của founder vì hiện nay ứng dụng có 200.000 người dùng. Khi xây dựng một sản phẩm mà người dùng họ thích, họ thấy có giá trị thì họ quay lại dùng và giới thiệu bạn bè tới”, vị này nêu ví dụ.