CEO Sky Mavis: Tài sản số nên được công nhận chính thức
(DNTO) - Các nghị sĩ, chuyên gia cho rằng việc hoàn thiện, ban hành chính sách mới liên quan đến công nghệ, khởi nghiệp cần được đẩy nhanh.
Nới lỏng và thắt chặt
Trong phiên thảo luận chuyên đề 2 “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đang diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu đã có những ý kiến đóng góp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.
Đóng góp tại buổi thảo luận, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc điều hành Sky Mavis, startup ra đời năm 2018 và chỉ mất 4 năm để đạt trạng thái kỳ lân (định giá trên 1 tỷ USD), cho biết trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, những startup công nghệ khai phá những lĩnh vực mới mẻ nhưng thực sự có khả năng thay đổi hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống.
Hiện các từ khóa như AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain (công nghệ chuỗi khối), IoT (internet vạn vật), machine learning (học máy) liên tục được nhắc đến. Điều này kéo theo hàng loạt các startup trong lĩnh vực này ra đời chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các công nghệ mới là hệ sinh thái khởi nghiệp.
Cụ thể, trong lĩnh vực blockchain, CEO Sky Mavis đánh giá Việt Nam có cùng xuất phát điểm với các nước trên thế giới và hoàn toàn có lợi thế. Nếu nắm bắt được thời điểm để tập trung đầu tư hiệu quả, Việt Nam có thể sánh ngang với các cường quốc công nghệ. Tuy nhiên, với startup, sự hỗ trợ và hậu thuẫn ban đầu có tác động rất lớn đến khả năng thành bại. Điểm cốt lõi tạo sự đột phá là chính sách và khung pháp lý cho công nghệ blockchain và startup.
"Công nghệ blockchain và các yếu tố liên quan như tài sản số, nên được định nghĩa và ghi nhận một cách chính thức. Đây là tiền đề cho việc hợp pháp hóa và ban hành các chính sách liên quan", vị CEO kiến nghị.
Ông Trung cũng thừa nhận, không riêng Việt Nam, thế giới cũng loay hoay trong việc ban hành thể chế, chính sách liên quan đến công nghệ mới. Vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn thì mới có thể tìm thấy các cơ hội trong các công nghệ tiên tiến.
“Hành lang pháp lý có thể mở hay nghiêm ngặt. Nhưng các doanh nghiệp công nghệ hơn bao giờ hết cần có một hành lang pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp có thể định hướng phát triển”, ông Trung nói và nhấn mạnh thêm việc cần truyền thông đúng đắn để khuyến khích thế hệ trẻ tìm hiểu về công nghệ mới, đồng thời hạn chế rủi ro.
Đồng tình với quan điểm cần có sự kiểm soát rủi ro với các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, nghị sĩ đến từ Phần Lan cho rằng bên cạnh những cơ hội, thì những nguy cơ từ công nghệ cũng phải được hiểu và nắm rõ, đặc biệt khi các công nghệ được ứng dụng vào vũ khí, có thể đe dọa hòa bình thế giới.
“Việc này có thể đẩy các bên vào căng thẳng hơn, vì vậy cần cân nhắc sử dụng những vũ khí này đúng mục đích”, nghị sĩ Phần Lan nhấn mạnh.
Nghị sĩ Nam Phi cũng bày tỏ sự cần thiết của các đạo luật kiểm soát mặt trái của công nghệ. “Cần tăng cường quản trị trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề tiềm tàng có thể này sinh trong tương lai”, vị này nói.
'Con cưng' startup ở các nước thế nào?
Cũng trong phiên thảo luận, chuyên gia Trung Quốc chia sẻ cách nước này thúc đẩy khởi nghiệp. Cụ thể sự hỗ trợ xoay quanh 3 trụ cột: chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính (giảm thuế, công cụ tài chính phù hợp) và giảm thiểu rào cản hành chính.
“Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký qua mạng, không cần đến trực tiếp tại các cơ quan quản lý, nhờ vậy đã khuyến khích nhiều người tham gia khởi nghiệp”, bà Tingyu Yuan, Quản lý tại HICOOL, chuyên gia quản trị doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, cho biết.
Tương tự, tại Ireland, ngay trong trường học, học sinh, sinh viên đã được khích lệ khởi nghiệp, dạy về cách vận hành một startup. Khởi nghiệp là một phần trong chương trình học cho học sinh từ 10-12 tuổi.
Nghị sĩ Ireland cho biết nước này có sáng kiến “phiếu giảm giá cho đổi mới sáng tạo” để mọi người có khả năng tiếp cận với công nghệ. Chương trình này hỗ trợ các công ty nghiên cứu các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Chính phủ Burkina Faso thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp bằng việc tung ra Luật đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, dành ưu đãi thuế và các cơ chế tài chính đặc thù cho startup. Quỹ doanh nghiệp trẻ và Chương trình quốc gia của Burkina Faso hỗ trợ 150.000 USD cho startup tạo tác động tích cực cho xã hội và môi trường.
Để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở phạm vi toàn cầu, đại biểu Việt Nam Phạm Trọng Nghĩa đề xuất Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ lĩnh vực này, đồng thời nghiên cứu cơ chế sandbox (thử nghiệm chính sách).
Vị này cũng đề nghị các thành viên IPU xem xét thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ chính phủ các nước hoàn thiện hành lang pháp lý cho khởi nghiệp.