Những mảnh ghép còn thiếu của thị trường khởi nghiệp Việt Nam
(DNTO) - Dòng vốn đầu tư vào startup đạt kỷ lục trong năm 2021 vẫn chủ yếu rơi vào một số startup nổi bật ở vòng gọi vốn sau, còn nhóm startup nhỏ tiến hành gọi vốn vòng đầu vẫn còn rất khó khăn.
3 nguyên nhân khiến startup không qua cửa gọi vốn
Hiện Việt Nam có khoảng 3.800 startup nhưng chỉ có 4 “kỳ lân” – startup định giá trên 1 tỷ USD (VNG, VNLife, MoMo, Sky Mavis), cũng như 11 startup được định giá trên 100 triệu USD, theo dữ liệu từ quỹ đầu tư Nexttrans.
Năm 2021 mặc dù ghi nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm đạt kỷ lục vào startup Việt Nam, nhưng chỉ tập trung vào một số startup nổi bật, như MoMo gọi được 333 triệu USD sau 2 vòng gọi vốn series E và series D; VNLife (công ty mẹ của VNPay) cũng gọi được 250 triệu USD tại Series B; Tiki huy động 258 triệu USD và Sky Mavis đã nhận được 152 triệu USD vốn đầu tư.
Như vậy, chỉ riêng 4 “kỳ lân” MoMo, VNLife, Tiki và Sky Mavis đã thu hút 860 triệu USD, tương đương hơn 66% tổng số vốn cả thị trường huy động được trong năm 2021. Điều này cho thấy một thực tế, mặc dù nguồn vốn rót vào startups Việt tăng mạnh nhưng chỉ đang tập trung cho một nhóm startup nổi bật. Còn lại, hầu hết các thương vụ trong năm 2021 đều nằm ở vòng Pre-seed (sơ khai) và Seed (hạt giống).
Có thể nói, song song với cơ hội, thì startup còn rất nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Dưới góc độ một nhà đầu tư thiên thần đã nhiều năm lăn lộn trong giới khởi nghiệp, bà Lê Mỹ Nga, CEO Hermes Management; tác giả cuốn sách “Chat với Startups”, chia sẻ 3 nguyên nhân khiến startup thường bị các “cá mập” ngó lơ.
Thứ nhất, sản phẩm, mô hình kinh doanh của startup không giải quyết được “nỗi đau” chung của thị trường, không có nhiều khác biệt và khó thay thế giải pháp hiện hữu. Điều này dẫn đến việc thị trường khó chấp nhận ngay lập tức và startup khó tăng quy mô và rất khó gọi vốn để tăng trưởng như kỳ vọng. Khi không gọi được vốn, dự án sẽ không đủ tài chính để tiếp tục phát triển, buộc phải dừng lại.
Thứ hai, startup không ứng dụng công nghệ mới hoặc ứng dụng chưa đủ để tạo sản phẩm đột phá, chưa đủ khả năng đăng ký sáng chế mang tầm quốc gia và quốc tế; chưa có sản phẩm hoặc mô hình có thể kiểm soát được thị trường mới, để đối thủ cạnh tranh khó có thể bắt chước trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, startup thường không chú trọng đến việc nghiên cứu và phát triển (R&D) liên tục nhằm giúp sản phẩm, mô hình kinh doanh luôn kiểm soát được thị trường và phát triển bền vững trong tương lai.
Cuối cùng, các nhà sáng lập thường là các nhân sự mạnh công nghệ và kỹ thuật, thiếu khả năng quản trị và tiếp thị để có thể chiếm lĩnh thị trường nhanh nhất có thể mà không “đốt” quá nhiều tiền. Tuy nhiên, họ lại không sẵn sàng chia sẻ cổ phần để sở hữu những nhân sự giỏi, đối tác chiến lược, bổ sung những điểm yếu mà mình không thể khắc phục trong thời gian ngắn.
Gỡ các điểm nghẽn từ đâu?
Theo bà Lê Mỹ Nga, để tránh 3 sai lầm cơ bản trên, các nhà sáng lập nên dành thời gian tham gia các chương trình ươm tạo và tăng tốc để được hướng dẫn bởi các cố vấn chuyên nghiệp, kết nối với các chiến lược gia, nhà đầu tư về công nghệ, thị trường, vận hành..., để được hỗ trợ về tài chính và nhân lực, giúp thương mại hóa ý tưởng, sản phẩm trong thời gian nhanh nhất.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Huy Minh, Chủ tịch Sunshine Holdings cho rằng, phong trào khởi nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn nở rộ với sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ban ngành và các tổ chức liên quan trong việc tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy startup. Tuy nhiên, để có một lớp người trẻ khởi nghiệp thành công, con đường quan trọng nhất vẫn bắt đầu từ việc đào tạo trong hệ thống các nhà trường.
“Hiện các nội dung đào tạo khởi nghiệp đã được đưa vào một số trường đại học nhưng các kiến thức về quản trị cho doanh nghiệp, hoạt động quản lý về thị trường và tiền tệ nhiều khi chưa được dạy một cách đầy đủ”, ông Minh cho biết.
Để giải quyết tất cả những mảnh ghép còn thiếu cho thị trường khởi nghiệp, trong Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2021 đã đưa ra khái niệm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Trong hệ sinh thái này, bên cạnh startup, nhà đầu tư, nhà trường, cơ quan chức năng, thì sẽ có thêm sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn với vai trò là đơn vị ra đề bài cho startup.
Các chuyên gia nhận định, nếu các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở liên kết chặt chẽ với nhau, thì chắc chắn, startup Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được những điểm nghẽn hiện tại và phục vụ thị trường một cách tốt nhất.