Điểm ‘chí mạng’ đánh trượt startup tại các vòng gọi vốn
(DNTO) - Năm 2021 khép lại với kỷ lục gọi vốn của startup Việt, tuy nhiên chỉ tập trung vào một nhóm startup, nhiều startup do không gọi được vốn đã lầm lũi rời khỏi thị trường. Do vậy, bước sang năm 2022, những bài học về gọi vốn dành cho startup không mới nhưng chưa bao giờ cũ được người trong nghề tiếp tục chia sẻ.
Việt Nam hiện có khoảng 3.000 startup lớn nhỏ, với khoảng 200 quỹ đầu tư trong và ngoài nước đang hoạt động. Mặc dù số “cá mập” không nhỏ, nhưng chỉ có một nửa trong số đó có thể “săn mồi”, còn lại thì không.
Thực tế, trung bình mỗi năm số vốn rót vào startup Việt Nam khoảng trên dưới 1 tỷ USD cho khoảng 100 startup, đây vẫn là con số khá khiêm tốn. Bởi 50-100 startup tìm đến “cá mập” nhưng cũng chỉ có một vài startup có thể qua cửa.
Trong khi đó, vòng đời của một startup liên tục trải qua các vòng gọi vốn. Nguồn vốn không chỉ cung cấp nguồn lực để thương mại hóa một sản phẩm hay dịch vụ mà còn hỗ trợ startup tăng trưởng và mở rộng thị trường, ngay cả khi startup đạt trạng thái “kỳ lân” (định giá trên 1 tỷ USD).
Giống như dòng máu đối với cơ thể, khi startup không còn dòng tiền và không thể tiếp tục huy động được vốn, con đường đến cửa tử ngắn lại. Vì vậy, kế hoạch gọi vốn luôn luôn phải gắn liền với kế hoạch kinh doanh.
Với vai trò là “ông mai, bà mối” cho các công ty Việt Nam với nhà đầu tư quốc tế, bà Đoàn Kiều My, founder YellowBlock, cố vấn Quỹ đầu tư Quest Ventures cho biết, việc khó nhất khi kết nối giữa startup với “cá mập” là xây dựng niềm tin, vì niềm tin mất rất nhiều thời gian tạo dựng nhưng cũng nhanh chóng mất đi. Do vậy, trong quá trình “se duyên”, bà My thừa nhận không phải thương vụ nào cũng thành công, quan trọng nhất là phải có hệ sinh thái chuyên nghiệp, có tính kết nối.
“Đối với một quỹ đầu tư, trong phần thẩm định, họ sẽ nhìn vào nền tảng và kinh nghiệm của đội ngũ đang xây dựng dự án. Thứ hai, họ sẽ nhìn vào mô hình kinh doanh. Thứ ba là nếu dự án đã được gọi vốn trước đó, đã có người dùng thì rất dễ đo lường. Tuy nhiên đa phần các dự án vẫn còn trên giấy, họ đã có người cố vấn, hỗ trợ đầu tiên, họ sẽ nhìn vào nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên các nhà đầu tư họ không có nhiều thời gian để kiểm tra nhiều thứ nên cái đầu tiên họ nhìn vào là thành viên trong đội ngũ”, bà My cho hay.
Để xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, ông Hiếu Nguyễn – Founder, CEO Nexus Group (đơn vị tư vấn M&A và đầu tư độc lập tại Việt Nam) cho biết, có 4 điều startup cần tránh khi làm việc với các “cá mập”, gồm:
Tránh giấu diếm, úp mở vì nhà đầu tư, đặc biệt số liệu tài chính và tình hình doanh nghiệp minh bạch.
Tránh khoảng trống pháp lý về hồ sơ như hồ sơ đăng kí doanh nghiệp, hợp đồng, các giao dịch và nghĩa vụ.
Tránh quá tự tin như việc vẽ ra quy mô tăng trưởng rất tốt, điều này có thể đúng nhưng phải được chứng minh bằng thực tế, tốt nhất là có trong báo cáo tài chính…
Tránh bỏ qua yếu tố thị trường vì thị trường là yếu tố quyết định sự thành bại của sản phẩm, dịch vụ, từ đó, doanh nghiệp có phương án tương ứng.
Là người từng ngồi vào bàn đàm phán với hàng trăm startup, bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên đầu tư tại Quỹ đầu tư Genesia Ventures (Nhật Bản), cũng chỉ ra 3 điểm yếu của startup Việt Nam khi gọi vốn.
Thứ nhất là khả năng truyền đạt sản phẩm, thông điệp với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại do rào cản ngôn ngữ. Để khắc phục tình trạng này, startup nên chuẩn bị tài liệu chi tiết, thể hiện dữ liệu rõ ràng để nhà đầu tư có thể đọc, thay vì nghe thuyết trình.
Thứ hai, nhiều startup chưa nắm được các chỉ số kinh doanh, mục tiêu phát triển, do vậy khi nhà đầu tư hỏi, startup không trả lời được. Lúc này, startup sẽ dễ bị đánh giá là chưa đặt tâm huyết, nỗ lực và nghiêm túc với mục tiêu.
Thứ ba là startup còn thiếu tính chủ động kết nối với các quỹ đầu tư. Startup nên theo sát các quỹ bằng việc chủ động gửi tài liệu sớm đến cho họ. Lúc này, các nhà đầu tư sẽ có thời gian nghiên cứu sâu hơn, đặt ra câu hỏi chi tiết để tìm hiểu startup, thay vì đến buổi thuyết trình chỉ nghe startup trình bày. Ngoài ra, startup phải chủ động gây áp lực cho các quỹ đầu tư bằng việc tìm hiểu kế hoạch rót vốn của họ và hỏi họ về những tài liệu startup cần bổ sung.
“Việc xây dựng một kế hoạch kinh doanh tốt không chỉ gây dựng niềm tin với các quỹ đầu tư, mà còn gây dựng niềm tin với cộng sự của startup. Nếu vẽ ra nhiều miếng bánh tuyệt vời nhưng luôn không đạt được thì sẽ dần mất niềm tin”, bà Dung nhấn mạnh.