Startup TP.HCM huy động hơn 1,2 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm
(DNTO) - Thông tin này được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ tại Hội nghị vai trò của startup trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, thuộc Techfest Việt Nam 2021, sáng 10/12.
Cụ thể tính đến hết tháng 11/2021 có 37 thương vụ đầu tư mạo hiểm thành công của startup tại TP.HCM, với số vốn gọi được là hơn 1,2 tỷ USD, (chiếm 60% số vốn của cả nước và gần 70% số thương vụ của cả nước), Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM dẫn số liệu thống kê của Cruchbase cho biết.
Cũng theo quan sát của Sở này, năm 2021 được đánh giá là một năm hoạt động tích cực của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM.
Hơn 90% startup phảichuyển đổi mô hình kinh doanh, tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ mà không chịu ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh, thu hẹp quy mô, giảm bớt nhân sự và tối ưu hóa các chi phí khác để hoạt động hiệu quả hơn. 2 lĩnh vực ghi nhận sự ra đời của nhiều startup là games và blockchain, ngoài ra còn có y tế và giáo dục.
Số lượng doanh nghiệp ươm tạo tại các cơ sở nhà nước không thay đổi nhiều (200-250 dự án/năm), nhưng vườn ươm tư nhân tăng khoảng 10-20% so với năm trước. Theo đánh giá của một số cơ sở ươm tạo tư nhân, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang dồn vào thị trường startup Việt Nam khá nhiều, khi mà một số các nước khác vẫn đang phong tỏa.
Một số tập đoàn truyền thống lớn trong ngành dệt may, da giày, bất động sản, đồ dùng học tập bắt đầu quan tâm đến startup…
Số vốn gọi được vòng seed của startup Việt trước đây thường chỉ dưới 500.000 USD thì riêng trong năm nay, một số startup đã được nâng lên 1-2 triệu USD, tương đương vòng seed của một số nước châu Mỹ.
Bà Phan Thị Quý Trúc (Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, Covid-19 là một bộ lọc hoàn hảo để loại bỏ những mô hình startup không xem việc ứng dụng công nghệ là giá trị cốt lõi, đồng thời là bệ phóng cho các startup mạnh về mảng công nghệ.
Suốt thời gian qua, TP.HCM đã phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chung. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo sẽ hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái của các ngành, lĩnh vực trọng điểm của thành phố để tăng năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới; phát triển các hệ sinh thái online, hệ sinh thái mở để thu hút nhiều nguồn lực xã hội tham gia. Đặc biệt, TP. HCM sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công.
“Trong Đề án 672 về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM đang tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM để có cơ chế sandbox chính sách, giúp giải pháp mới được đưa ra ứng dụng nhanh hơn. Tại TP. Thủ Đức, chúng tôi cũng đang đặt hàng các đơn vị để xây dựng phòng thí nghiệm đô thị, đưa giải pháp thành phố thông minh vào thử nghiệm ngay trong thành phố mà không làm ảnh hưởng đến người dân” bà Trúc cho hay.