CEO Do Ventures: Thế hệ founder thứ 3 sẽ đưa startup Việt Nam vươn tầm khu vực, thế giới
(DNTO) - Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures, thế hệ nhà sáng lập (founder) hiện nay có tham vọng, có năng lực và nhanh nhạy, sẽ là nguồn lực thu hút các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
3 thế hệ founder tạo nên bức tranh thị trường startup Việt Nam
Chia sẻ về những thay đổi trong thị trường khởi nghiệp Việt Nam từ năm 2000 đến nay, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures nhận định, Việt Nam đã trải qua 3 thế hệ nhà sáng lập với những nét đặc trưng riêng.
Thế hệ đầu tiên (Bắt đầu khởi nghiệp giai đoạn 2000-2006): Bao gồm những founder của các startup nổi tiếng như VNG, Vatgia, NextTech (Peacesoft), VCCorp, 24H và Yeah1… Đặc trưng của thế hệ này là khi mảng kinh doanh chính đã đạt mức phát triển nhất định, các founder thường chọn cách mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Thế hệ thứ 2 (Bắt đầu khởi nghiệp giai đoạn 2007-2014): Bao gồm founder của các startup đáng chú ý như Batdongsan.com.vn, Tiki, Foody, Topica và Nhaccuatui… Đặc trưng của nhóm này là khi bắt đầu khởi nghiệp, họ thường gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt hơn so với thế hệ tiền nhiệm và cần nhiều thời gian hơn để chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, sau khi có sự thành công nhất định, các founder thế hệ thứ 2 thường có xu hướng tập trung củng cố lĩnh vực kinh doanh của chính mình bằng việc đầu tư vào các mảng kinh doanh bổ trợ, tạo thành hệ sinh thái xoay quanh lĩnh vực ban đầu. Ví dụ như Tiki bắt đầu từ một công ty thương mại điện tử chuyên bán sách, sau đó mở rộng ra bán nhiều mặt hàng và phát triển các lĩnh vực phụ trợ như logistics (Tiki Now) và bán hàng xuyên biên giới (Tiki Global).
Thế hệ thứ 3 (Bắt đầu khởi nghiệp giai đoạn 2015 - nay): Đây là thế hệ founder với nhiều nét đặc trưng nhất, với sự thống trị của các công ty nội địa cùng sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ những đối thủ trên thế giới, các founder khởi nghiệp trong giai đoạn này phải hình thành tư tưởng phát triển công ty ở quy mô toàn cầu từ rất sớm. Bên cạnh đó, họ cũng tập trung vào việc xây dựng nền tảng công nghệ lõi vững chắc để có được lợi thế cạnh tranh.
Trong thế hệ khởi nghiệp này, các nhà sáng lập cũng được chia thành 4 nhóm, gồm nhóm có tham vọng khu vực (Ecomobi, Holistics, AAD, Hiip); nhóm các nhà sáng lập có kinh nghiệm quốc tế sẽ tập trung phát triển công nghệ lõi rất sâu (Genetica tập trung vào công nghệ giải mã gen; Elsa tập trung công nghệ AI trong giáo dục…); nhóm nhà sáng lập đã có kinh nghiệm từ các công ty lớn trong khu vực và quốc tế (F88, OnPoint… ), và cuối cùng là nhóm nhà sáng lập đã khởi nghiệp nhiều lần (Luxstay, Cooky, Homedy…) sẽ hiểu biết thị trường nội địa và có khả năng ứng dụng, vận hành công nghệ mới vào thị trường nội địa rất tốt.
“Thế hệ nhà sáng lập thứ 3 có rất nhiều đặc tính khác biệt. Đây cũng là lý do các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiện nay đều tin rằng, họ sẽ xây dựng được những công ty từ Việt Nam nhưng có sức ảnh hưởng trong khu vực và toàn cầu”, bà Uyên Vy nhấn mạnh.
Startup sẽ bứt phá sau khủng hoảng
Cũng theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, startup là những doanh nghiệp non trẻ, vì vậy sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối diện với đại dịch Covid-19 do hầu hết chưa tự cân đối tài chính mà phải dựa vào nguồn đầu tư để phát triển doanh nghiệp. Vì vậy, khi dịch bệnh đến rất nhanh và đột ngột như năm 2020, nhiều doanh nghiệp chưa thể tìm ra phương án thích nghi với đại dịch.
Tuy nhiên, trong năm 2021, phần nào doanh nghiệp đã thích nghi và đang phục hồi, thậm chí sẽ bứt phá sau khủng hoảng. Hiện Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển hạ tầng thanh toán cũng như logistics. Đây là cơ hội để startup có thể khai thác và bứt phá.
Về cơ sở hạ tầng cho thanh toán, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đón nhận thanh toán như một hình thức nhanh chóng và thuận tiện hơn để mua hàng trực tuyến. Thị trường thanh toán số Việt Nam có gần 40 công ty thanh toán, trong đó có 16 công ty lớn, được chia thành 4 loại hình chính với những thế mạnh riêng về chức năng tài chính, trải nghiệm người dùng, lòng tin của khách hàng và mạng lưới phân phối.
Về cơ sở hạ tầng logistics, với bất kì công ty nào tham gia vào nền kinh tế số đều phải tiếp cận đến hạ tầng giao vận. Do vậy, trung bình 6-8 công ty mới trong lĩnh vực logistics gia nhập thị trường hàng năm trong vòng 5 năm qua, mặc dù mức đầu tư tài chính ban đầu không hề nhỏ; 40 startup cung cấp dịch vụ e-logistics tại Việt Nam, trong đó một số thương hiệu nổi bật là đối tác giao hàng của các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu.
“Việc giao hàng trong từ 1-2 tiếng ở Việt Nam hiện nay rất phổ biến và bình thường. Tốc độ giao vận của Việt Nam nhiều khi còn nhanh hơn rất nhiều so với cam kết giao hàng ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Đây là tín hiệu tích cực”, bà Uyên Vy nhấn mạnh.
Đưa ra lời khuyên cho các startup, bà Uyên Vy nhấn mạnh một số điểm:
Tái cấu trúc để tồn tại: Trước khi gọi thêm vốn, hãy cắt giảm tối đa chi tiêu và tìm cách tạo ra các nguồn doanh thu mới. Nếu quyết định gọi vốn, hãy cân nhắc tất cả các hình thức có thể như quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, gọi vốn cộng đồng, vay vốn ngân hàng, vốn viện trợ…
Nắm bắt thời cơ trong thử thách: Khủng hoảng luôn là chất xúc tác cho những đột phá mới. Ví dụ như sau dịch Sars năm 2002 là sự nổi lên của thương mại điện tử ở Trung Quốc, hay sau khủng hoảng kinh tế năm 2008 là sự xuất hiện của các mô hình fintech mới.
“Tôi tin rằng, sau đợt khủng hoảng Covid-19 lần này, rất nhiều công ty công nghệ số tại Việt Nam có thể tận dụng thời điểm dịch chuyển hành vi tiêu dùng online của khách hàng Việt để tạo dấu ấn trên khu vực và thế giới”, bà Lê Hoàng Uyên Vy nhấn mạnh.